Sáng 14/4 tại Quảng Ninh, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng 'Tuần lễ tiêm chủng năm 2022'. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số liệu thống kê hiện nay trên toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, trong số đó ước khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý II/2022.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ thực hiện trước đối với nhóm trẻ lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi này. Dự kiến, trong tuần tới, việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này sẽ đồng loạt được thực hiện tại các tỉnh thành phố khác trên cả nước.
Việc tiêm vaccine sẽ được triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vaccine được cung ứng. Với mỗi lô vaccine và từng nhóm trẻ, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Hiện có hai loại vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Vaccine tiêm cho trẻ ngày 14/4 là vaccine Moderna. Bộ Y tế đã có tập huấn và hướng dẫn chi tiết việc tiêm vaccine này. Theo đó, vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6 - dưới 12 tuổi. Liều tiêm 0,25ml - liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn, giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại.
Liên quan kế hoạch tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã hướng dẫn tất cả địa phương trên cả nước xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tổ chức các điểm tiêm, qua đó đảm bảo an toàn cùng tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất.
Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân cho biết qua khảo sát mới đây, Việt Nam ghi nhận khoảng 60-80% người dân đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi. Khoảng 30% còn do dự.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, nhóm phụ huynh còn do dự trong thời gian tới sẽ cần được cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan việc tiêm chủng để hiểu rõ hơn khi đưa quyết định.
Đến nay, hơn 53 quốc gia đã có kế hoạch/triển khai tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng ở các quốc gia triển khai khác nhau: Một số quốc gia triển khai cho nhóm trẻ có bệnh nền; một số quốc gia triển khai tiêm 1 mũi cho trẻ; nhiều quốc gia trong đó có các nước thuộc liên minh châu Âu, Hoa Kỳ tiêm cho toàn bộ trẻ từ 5- dưới 12 tuổi.
Các chuyên gia nhấn mạnh: Việc tiêm chủng cho nhóm trẻ này mới được thực hiện từ tháng 1/2022 nên việc theo dõi phản ứng miễn dịch đang được tiếp tục theo dõi, cập nhật thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới.
Cũng về nội dung này, PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, với nhóm trẻ em 5 - dưới 12 tuổi, việc truyền thông hướng tới trực tiếp tới các phụ huynh, thầy cô, người chăm sóc và thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ.
Trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng COVID-19, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi. Với các trường hợp lớn hơn, cha mẹ nên lưu ý các bất thường liên quan sức khỏe đường hô hấp.
Với những trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh, phụ huynh tạm thời dừng tiêm cho trẻ đến khi trẻ thật sự khỏe mạnh.
"Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét… Nếu có vấn đề, chúng tôi sẽ có các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét. Do đó, trẻ phải thực sự khỏe mạnh mới nên tiêm vaccine phòng COVID-19"- Phó Viện trưởng Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Khi tới các điểm tiêm chủng, cha mẹ cần chia sẻ cụ thể với cán bộ y tế khám sàng lọc về tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ (nếu có) để có chỉ định và hướng dẫn cụ thể, cần thiết chuyển trẻ đến tiêm tại bệnh viện.
Các phụ huynh nên tuân thủ khuyến cáo ở lại điểm tiêm để theo dõi sau 30 phút nhằm xử lý kịp thời tình huống phản ứng phản vệ, đồng thời báo lại cho cán bộ y tế tình trạng của trẻ trước khi về. Khi về cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm.
Uớc tính, khoảng 3,6 triệu trẻ ở trong độ tuổi trên đã mắc COVID-19. Để đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhất là khi trẻ đã mắc COVID-19 trước đó, căn cứ vào các bằng chứng khoa học cũng như kinh nghiệm công bố của các quốc gia đã triển khai tiêm cho trẻ em, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã mắc sau 3 tháng.
Vì vậy, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số trẻ đã mắc được thực hiện sau 3 tháng khỏi COVID-19 sẽ triển khai tiêm vào tháng 7-8/2022.
(baodansinh.vn)
Trẻ mầm non là F0, toàn bộ học sinh trong lớp có cần phải cách ly?
Trẻ mầm non và học sinh phổ thông đã trở lại trường học trực tiếp trong điều kiện bình thường mới. Nếu trong lớp mầm non có một ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0) thì các thành viên còn lại trong lớp có cần phải cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày?
Việc gần 1.200 cơ sở giáo dục mầm non của Thủ đô mở cửa đón hơn 500.000 trẻ trở lại trường học trực tiếp là niềm vui lớn của phụ huynh và giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, khi trẻ mầm non trở lại trường, nhiều phụ huynh và một số trường mầm non băn khoăn về phương án xử lý khi có trẻ là F0 tại lớp học trong Hướng dẫn liên ngành số 489/HDLN-SGDĐT- SYT ngày 28/02/2022 của Sở GD&ĐT và Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường học.
Trong Hướng dẫn của liên Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ như sau: Nếu trong lớp mầm non có một ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Hướng dẫn này liệu có còn phù hợp trong điều kiện bình thường khi tất cả các cổng trường đã mở hoàn toàn?
Y tế địa phương và nhà trường có thể phối hợp để điều chỉnh phương án xử lý phù hợp
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hướng dẫn này đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.
Nhưng để đáp ứng với tình hình mới khi chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro, tránh học sinh phải nghỉ học quá nhiều thì y tế địa phương và nhà trường có thể phối hợp để đánh giá chính xác trẻ mầm non nào là F0, trẻ nào là F1 để thống nhất điều chỉnh phương án xử lý phù hợp.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, về quy trình xử lý khi trẻ mầm non là F0 trong lớp có thể được thực hiện như đối với học sinh phổ thông là F0. Cụ thể, khi phát hiện trẻ mầm non là F0, giáo viên cho cả lớp ngồi yên tại chỗ, đưa F0 đến phòng cách ly tạm thời của trường. Sau đó, tổ chức xét nghiệm cho những trẻ được xác định là F1.
Với những trường hợp chỉ nghi ngờ mà chưa chắc chắn là F1 có thể kết hợp với xét nghiệm 2 ngày 1 lần để theo dõi, đánh giá, tránh nhiều học sinh phải nghỉ học.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, cấp học mầm non hiện có hơn 21.000 ca F0, trong đó số trẻ mầm non gần 13.000 trường hợp, giáo viên là hơn 8.000
(suckhoedoisong.vn
Hỏi đáp: Trẻ khỏi COVID-19 sau bao lâu nên tiêm vaccine?
Theo chuyên gia của Bộ Y tế, trẻ đã mắc COVID-19 có thể tiêm vaccine sau 3 tháng kể từ ngày âm tính và gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của con trước khi tiêm.
Theo chuyên gia của Bộ Y tế, trẻ nhỏ có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 3 tháng kể từ ngày âm tính và cần đảm bảo sức khỏe tốt nhất trước khi tiêm.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trước khi đưa trẻ đi tiêm vaccine COVID-19, gia đình cần theo dõi sát sức khỏe của con, đánh giá việc ăn, ngủ, sinh hoạt có bất thường hay không, đặc biệt với nhóm 5-6 tuổi.