Cục An toàn thực phẩm cảnh báo Xuyên Tâm Liên Phạm Gia vi phạm quảng cáo
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã cảnh báo thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia trên một số trang mạng xã hội và website.
Trong thời gian vừa qua trên một số trang mạng xã hội và website, tại các đường link: https://phamgiadongy.vn; https://www.facebook.com/xuyentamlienphamgia đăng nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuyên Tâm Liên Phạm Gia có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Sản phẩm này do Công ty Cổ phần Thảo dược Hà Nội (Địa chỉ: Xóm Tân Hòa, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất, và Công ty TNHH Sản xuất & Xuất nhập khẩu Nguyên Hà - Phạm Gia (Địa chỉ: Số 8A, tổ 3 đường Đông Quan, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục ATTP sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào những nội dung quảng cáo sai sự thật trên một số website/đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
(kinhtedothi.vn)
WHO: Xuất hiện nhiều trẻ viêm gan không rõ nguyên nhân, có ca nặng, tử vong
Theo WHO, đã có ít nhất 169 trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, được phát hiện tại 12 quốc gia trên thế giới.
Theo thông báo ngày 23/4, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đã có ít nhất 169 trường hợp trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi bị mắc viêm gan cấp tính, ở 12 quốc gia trên thế giới.
Trong đó, đa số các ca nhiễm bệnh (114 ca) được ghi nhận tại Anh; 13 ca ghi nhận tại Tây Ban Nha; 12 ca tại Israel; 9 ca tại Mỹ và một số ca tại Đan Mạch, Ireland, Italia, Hà Lan, Pháp, Na Uy, Rumani và Bỉ.
Trong số đó, có ít nhất 1 trẻ thiệt mạng và 17 trẻ khác phải ghép gan.
Hầu hết các ca nhiễm đều không sốt, không liên quan tới các loại virus gây bệnh viêm gan thường thấy như virus viêm gan A, B, C, D và E.
Trong thông báo, WHO cho hay nhiều trường hợp có triệu chứng như men gan tăng cao; một số ca ghi nhận các triệu chứng liên quan đến đường ruột như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da.
Viêm gan là tình trạng gan – cơ quan quan trọng chịu trách nhiệm xử lý chất dinh dưỡng, lọc máu và giúp miễn dịch – bị viêm nhiễm. Khi gan bị tổn thương, các chức năng gan đều bị ảnh hưởng.
WHO đặt giả thuyết virus Adeno (loại virus gây bệnh cảm lạnh thông thường) có thể là một nguyên nhân gây nên tình trạng viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ kể trên vì đã phát hiện virus Adeno (adenovirus) ở ít nhất 74 ca; số ca mắc viêm gan liên quan đến virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) là 20 ca và có 19 trường hợp nhiễm đồng thời virus SARS-CoV-2 và virus Adeno.
Thông thường, viêm gan là do virus gây nên và virus Adeno là loại virus thông thường có khả năng lan từ người sang người, có thể gây một loạt các triệu chứng từ vừa đến nặng nhưng lại hiếm khi gây viêm gan nặng ở người khỏe mạnh.
WHO nhấn mạnh, các chuyên gia thế giới vẫn tiếp tục điều tra để xác định nguyên nhân chính xác gây nên tình trạng viêm gan cấp tính này.
Mới đây, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ra hướng dẫn với nhân viên và giới chức y tế điều tra căn nguyên các ca viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
CDC khuyến nghị các nhà cung cấp cân nhắc xét nghiệm virus Adeno ở trẻ viêm gan khi nguyên nhân gây bệnh ở trẻ không rõ ràng đồng thời cần phải xét nghiệm máu toàn diện.
(baogiaothong.vn)
Việt Nam đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 24/4 cho biết, đến nay đã tiêm hơn nửa triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại 45 tỉnh, thành phố. Tuần tới, các địa phương còn lại bắt đầu tiêm cho trẻ trong độ tuổi này với mục tiêu 'tiêm đến đâu an toàn đến đó'.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đến chiều ngày 24/4 là 575.771 liều (mũi 1).
Như vậy sau mười ngày triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản ( TP Hạ Long), đến nay đã có 45/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế là TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Bạc Liêu.
Ngày mai- 25/4, các địa phương tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi theo lộ trình tiêm trẻ lớp 6 trước sau đó hạ dần độ tuổi và khối lớp.
Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).
Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.
Việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.
(suckhoedoisong.vn)
Khẩn trương rà soát, đáp ứng nhu cầu vaccine phòng Covid-19 của các địa phương
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn trương rà soát cầu vaccine của các địa phương, bảo đảm mục tiêu, tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tính đến tối ngày 23/4, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 211.992.855 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 194.292.929 liều; số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.325.671 liều; số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 374.255 liều (mũi 1).
Theo các chuyên gia y tế, vaccine Covid-19 giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại virus corona nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì việc tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ; giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện nếu không may bị nhiễm Covid-19.
(congthuong.vn)
Sai lầm khiến tình trạng đau khớp hậu Covid-19 trầm trọng hơn
Việc hạn chế hoạt động thể chất sau khi khỏi Covid-19 khiến người bệnh dễ bị đau cơ, viêm khớp.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 trong thời gian hồi phục có thể gặp các triệu chứng liên quan xương khớp như đau khớp, đau lưng, đau và yếu cơ, mệt mỏi và cứng khớp. Việc hạn chế vận động và không chịu nổi cơn đau có thể gây khó khăn cho các công việc hàng ngày đối với người bị viêm khớp.
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), khi mắc Covid-19, cơ thể bị ảnh hưởng và yếu đi, mọi người ít hoạt động hơn bình thường. Điều này có thể gây ra đau nhức, cứng khớp và yếu cơ. Yếu cơ có thể dẫn đến khó khăn trong các hoạt động như đứng, leo cầu thang, nắm chặt đồ vật bằng tay hoặc nâng cánh tay lên trên đầu.
Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị cần thiết trong thời gian mắc Covid-19 có thể gây căng thẳng và tạo áp lực lên một số khớp và cơ. Chúng có thể đã gây ra các vấn đề mới về khớp và cơ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng xuất hiện trước đó.
Theo India Times, vấn đề liên quan xương khớp có thể được cải thiện khi người bệnh khỏe hơn. Tuy nhiên, trong quá điều trị và hồi phục, một số sai lầm của người bệnh có thể khiến tình trạng này trầm trọng và lâu khỏi hơn.
Bác sĩ Ajay Shukla, Trưởng khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện RML (Ấn Độ), cho biết trong thời gian điều trị Covid-19, rất nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc steroid bừa bãi. Do dùng quá liều thuốc này, người bệnh bị hoại tử xương ở các bộ phận khác nhau của xương, do đó, khớp bị tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi.
Theo chuyên gia này, bên cạnh đó còn có rất nhiều bệnh nhân bị viêm khớp, khi mắc Covid-19, phân vân không biết nên dừng thuốc hay tiếp tục dùng. Vì vậy, một số bệnh nhân đã tự ý ngừng thuốc dẫn đến tình trạng hiện tại của họ xấu đi.
Bác sĩ Shukla cũng nhận định việc hạn chế hoạt động thể chất sau khi khỏi Covid-19 cũng khiến người bệnh dễ bị đau cơ, phát triển chứng viêm khớp cao hơn.
"Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19 đã ngừng ra ngoài và tập thể dục ngoài trời như chạy bộ, đạp xe hoặc đi bộ mà họ đã làm trước đó. Nguyên nhân là họ sợ tái nhiễm hoặc cơ thể suy nhược và mệt mỏi. Mức độ hoạt động giảm xuống, khiến họ bị tăng cân, dẫn đến đau và cứng các khớp phải chịu trọng lượng như đầu gối, hông và lưng dưới", ông Shukla nói.
Ngoài ra, tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn, muối, thịt đỏ, rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau và viêm khớp của bệnh viêm khớp.