Thời gian gầy đây trên mạng xã hội chia sẻ thông tin và hình ảnh về một số trường hợp F0 đã khỏi bệnh đi khám sức khỏe vô tình thấy phổi tổn thương.
Nhiều người còn cho rằng dù F0 đã khỏi bệnh nhưng virus vẫn nằm sâu trong phổi khi hệ miễn dịch yếu virus sẽ mạnh lên gây ra tổn thương phổi. Điều này lý giải cho việc nhiều người vô tình khi khám sức khỏe chụp phổi đã thấy trắng xóa.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, câu chuyện F0 đã khỏi vô tình đi khám sức khỏe thấy phổi có tổn thương có thể xảy ra ở đầu mùa dịch năm 2020: nhiễm biến thể Delta, chưa được tiêm vắc xin và y tế quá tải, bệnh nhân điều trị bằng phác đồ chắp vá không bài bản. Một số bệnh nhân có triệu chứng nặng cố gắng vượt qua, thậm chí thở oxy tại nhà.
Những trường hợp này không thể nói là vô tình phát hiện tổn thương phổi mà bệnh nhân cảm thấy đỡ triệu chứng nhưng khi làm việc gắng sức vẫn mệt mỏi, khó thở đi khám chụp thấy tổn thương phổi.
"Tôi khẳng định ở giai đoạn này khi chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vắc xin, nhiễm biến chủng Omicron (triệu chứng nhẹ hơn) mà vô tình đi khám có tổn thương phổi là không có. Thực tế, chúng tôi đã tiếp rất hàng chục ca bệnh tới bệnh viện "đòi" bác sĩ khám hậu Covid, có cả các trường hợp khó thở, giảm cơ năng, nhưng chụp phổi không có tổn thương.
Tôi cho rằng câu chuyện có tổn thương phổi khi đi khám sức khỏe là khá hy hữu và bệnh nhân đó đã có tổn thương phổi có sẵn. Do vậy, mọi người không nên quá lo lắng về hậu Covid, hãy kiên nhẫn chờ đợi các triệu chứng sẽ hết sau 2-4 tuần khỏi Covid-19", bác sĩ Hải nói.
(toquoc.vn)
Loạn thuốc "bổ phổi" hậu COVID-19
Lo ngại các triệu chứng hậu COVID-19, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh như lạc giữa ma trận của các sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng "bổ phổi".
Lo lắng sau khi mắc COVID-19 có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi, gần 3 tháng nay, chị Trần Thị Bích Ngọc (trú tại Đống Đa, Hà Nội) vẫn kiên trì uống các loại thuốc bổ được mọi người "mách". Không ngần ngại ,chị quyết định chi khá mạnh tay, đặt hàng các loại thuốc bổ được quảng cáo là "thanh lọc phổi" này.
Chị Ngọc chia sẻ: "Tôi uống thuốc cũng được 2 - 3 tháng rồi nhưng không biết có công dụng gì không, nhưng tôi vẫn uống cho an tâm. Giá mỗi lọ thuốc tôi mua cũng tầm 500.000 đồng".
Rõ ràng, bổ chưa thấy đâu mà thấy tốn kém là nhiều. Quả thật rất khó để thoát ra được khỏi ma trận các loại thuốc hỗ trợ hậu COVID-19, từ bổ phổi, sạch họng đến thải độc toàn cơ thể từ các các nước trên thế giới với đủ loại giá thành.
Vào một cửa hàng xách tay tại quận Ba Đình, không khó để có thể mua được một lọ bổ phổi của Nhật, được người bán hàng giới thiệu là sản phẩm dùng được cho cả người lớn lẫn trẻ em, bán chạy nhất hiện nay.
Nhân viên của hàng cho hay: "Gần như không có hàng để bán, vì quá nhiều người bị nên mặt hàng này khan hiếm, bên Nhật cũng không thể về kịp".
Theo lời người bán hàng, loại thuốc này phòng tránh được tất cả các bệnh về đường hô hấp, cải thiện chức năng phổi hậu COVID-19 có giá 700.000 đồng/90 gói.
Theo các bác sĩ, lọc phổi bằng thuốc là điều không thể. Chính tâm lý hoang mang lo lắng của di chứng hậu COVID-19 của một bộ phận người dân đã khiến cho các sản phẩm thuốc bổ thông thường được "thần thánh hoá".
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Tất cả thuốc đang rao bán trên mạng có tác dụng bổ phổi, thực chất không phải là thuốc làm sạch phổi hay bổ phổi, mà là thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp. Các sản phẩm này có thể có tác dụng bảo vệ niêm mạc phổi, tuy nhiên thực sự không có bằng chứng điều trị được hậu COVID-19".
Thay vì tìm đến các loại thuốc "thanh lọc phổi", các bác sĩ khuyên người dân sau mắc COVID-19 nên tập thở, vệ sinh miệng và họng đúng cách, ăn uống đủ chất và tập thể dục nhẹ nhàng để hồi phục sức khoẻ.
(vtv.vn)
Chuyên gia chỉ cách phòng dịch khi trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp
Từ ngày 13/4, trẻ mầm non trên cả nước được trở lại trường học trực tiếp đã mang đến niềm vui và hạnh phúc cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, không ít các bậc cha mẹ lo lắng khi lứa tuổi này còn quá nhỏ để có thể chấp hành hướng dẫn phòng dịch COVID-19.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vaccine cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.
Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.
Để phòng bệnh cho trẻ mầm non khi trở lại trường, PGS.TS. Trần Đắc Phu có những lưu ý đối với cha mẹ của trẻ:
- Không đến trường, không đưa trẻ đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Cần đeo khẩu trang cho mình và cho trẻ.
- Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các thời điểm: Trước khi đến trường; Sau khi trở về nhà; Khi thấy tay bẩn; Khi cần thiết.
- Tại nhà, cha mẹ cần đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe cho trẻ. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học đồng thời thông báo cho nhà trường, cơ sở y tế.
Ngoài ra, sau thời gian quá dài phải nghỉ ở nhà, khi được đi học trực tiếp, trẻ sẽ có những rụt rè và lo lắng, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường; hỗ trợ con chuẩn bị tốt về thể lực và tâm lý để sẵn sàng nhập cuộc.
Đối với nhà trường, PGS.TS. Trần Đắc Phu lưu ý, nhà trường nên bố trí các em theo nhóm, lớp và cho ăn riêng, ngủ riêng để hạn chế tối đa tiếp xúc với nhau. Như vậy, khi có trẻ dương tính SARS-CoV-2, việc xử lý, khoanh vùng sẽ dễ dàng, gói gọn trong phạm vi hẹp và không ảnh hưởng tới nhóm khác. Đặc biệt, khi trẻ tới trường học trực tiếp, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu.
Hà Nội là địa phương cuối cùng trên cả nước đồng ý cho trẻ mầm non đi học trực tiếp vào ngày 13/4. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ mầm non đi học trực tiếp cho thấy, khoảng gần 90% phụ huynh đồng ý cho con đến trường. Đây là con số rất đáng mừng, thể hiện tinh thần đồng thuận cao và cũng là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh về việc con em mình được đến trường vui chơi, học tập.
suckhoedoisong.vn