Chiều 22/9, đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội chủ trì giao ban giữa Sở Chỉ huy Thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/UBND ngày 20/9/2021 của UBND Thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết, tính đến 14 giờ ngày 22/9, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc Covid-19, trong đó, có 1 ca cộng đồng (tại quận Hà Đông) và 5 ca tại các khu cách ly. Trong ngày, phát sinh điểm phong tỏa mới ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, với 27 hộ. Hiện, toàn Thành phố còn 31 điểm đang cách ly; có 846 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương, hiện nay, Hà Nội đứng thứ 6 trên cả nước về cài đặt ứng dụng Bluezone. Qua công tác rà soát và triển khai cho thấy, tỷ lệ này có thể cải thiện dễ dàng. Điển hình như ở huyện Phú Xuyên, một vài tuần trước đây, tỷ lệ cài đặt Bluezone chỉ có 37%, sau khi đồng chí Bí thư Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo và cử các tổ chức đoàn, hội xuống địa bàn hướng dẫn cho người dân thì sau 1-2 tuần, con số này đã tăng trên 51%, cơ bản đáp ứng được yêu cầu truy vết.
Đánh giá về kết quả công tác phòng, chống dịch, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, qua theo dõi diễn biến tình hình dịch có thể thấy Hà Nội đang kiểm soát tốt tình hình dịch, tỷ lệ mắc rất thấp, đặc biệt trong những ngày gần đây. Các ca mắc cũng khu trú ở những địa bàn trọng điểm. Các biện pháp Hà Nội triển khai đã đầy đủ và đúng hướng, theo chỉ đạo của Trung ương cũng như diễn biến thực tế.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng việc kiên quyết xử lý dứt điểm các ổ dịch là hết sức quan trọng. Thành phố cần tập trung xét nghiệm nhanh, xét nghiệm sớm và tập trung, không để các ổ dịch lan rộng trong cộng đồng; linh hoạt duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên đã là một thành công. PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, sau khi tiêm 1 mũi vắc xin thì miễn dịch còn kém, tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch, nhưng cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ trở nặng chứ không đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm và khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền,...
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, từ ý kiến chia sẻ của các chuyên gia y tế cho thấy, việc tiêm vắc xin là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng, song không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin lại chủ quan, lơ là.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, việc người dân và phương tiện đổ về các tuyến phố trung tâm của Hà Nội để vui Tết Trung thu trong tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Qua việc này cho thấy một số địa phương của Thành phố chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành, xây dựng kế hoạch và triển khai Chỉ thị 22 của UBND Thành phố, đảm bảo rõ người, rõ việc, trong đó phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, thông điệp 5K, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của tiêm vắc xin, tránh chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch sau khi đã tiêm vắc xin theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.