Đạidịch COVID-19kéo dài gần 2 năm nay không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng đang hứng chịu nhiều tổn thất về vật chất, tinh thần. Ở trên thế giới, nhiều bệnh viện Nhi đã báo cáo sự gia tăng 100% số ca nhập viện vì các vấn đề sức khỏe tâm thần, tăng 200% số ca nhập viện vì sử dụng chất gây nghiện và cố gắng tự tử ở trẻ nhỏ. Tại nước ta, nhiều trẻ em đã phải trải qua những mất mát to lớn, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Như tại TP HCM mới đây đã đưa ra thống kê có hơn 1.500 học sinh mồ côi vì COVID-19.
Để giúp trẻ giảm nhẹ, vượt qua cú sốc tâm lý chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó Trưởng khoa công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM):
PV: Chuyên gia có nhận định gì về các mức độ chấn thương tâm lý mà trẻ nhỏ đang phải gánh chịu từ tác động của đại dịch COVID-19?
Trong nhiều nghiên cứu khác nhau trên toàn thế giới, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi bối cảnh của đại dịch COVID -19. Những sang chấn của tâm lý của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, từ sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn chán, tức giận; thiếu kết nối xã hội; gia tăng các hành vi tiêu cực; sử dụng mạng và internet nhiều hơn đến các khó khăn khác như cảm nhận tiêu cực về hạnh phúc và sự thoải mái, có suy nghĩ tự ti về bản thân (nhất là với trẻ lớn) …
Sự khó khăn tâm lý của trẻ em là khá đa dạng và dường như trẻ em nào cũng phải trải qua các vấn đề của sức khoẻ tâm thần. Những trải nghiệm khó khăn này có thể tức thời ngay trong giai đoạn COVID - 19, cũng có thể kéo dài hơn, thậm chí vài năm sau nếu trẻ bị tổn thương hoặc sang chấn trầm trọng trong giai đoạn này như mất cha mẹ, người thân hoặc bị bạo lực bởi cha mẹ hoặc người thân.
Ảnh minh họa
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của trẻ em trong bối cảnh COVID - 19 là khá đa dạng. Việc giãn cách xã hội phải ở nhà nhiều ngày, không được đến trường và tương tác, chơi đùa với bạn bè là yếu tố ảnh hưởng đến khủng hoảng ở đa số trẻ em. Việc trẻ ở nhà và thường phải tiếp nhận các cảm xúc, hành vi tiêu cực của cha mẹ, nhất là khi cha mẹ lo âu và khủng hoảng bởi bối cảnh COVID - 19 mà vô tình hay hữu ý tác động lên trẻ.
Nhiều trẻ nhỏ không hiểu sao mình lại phải ở nhà nhiều ngày và không được chơi với bạn bè cùng khu phố cũng làm trẻ gia tăng lo âu và căng thẳng. Nhiều trẻ em có thể dành nhiều thời gian truy cập vào internet và bắt đầu gia tăng các hành vi tiêu cực trên mạng như xem phim khiêu dâm hoặc có thể mất an toàn mạng. Nhiều trẻ khác bị mất cha mẹ, hoặc người thân làm gia tăng các khủng hoảng, sang chấn và thậm chí các sang chấn này kéo dài vài năm sau hoặc cả đời của trẻ. Nhiều trẻ khác thì ở khu vực cách ly y tế hoặc nhiễm COVID-19 cũng làm gia tăng căng thẳng.
PV: Vậy người lớn chúng ta cần lưu ý điều gì ở trẻ để có thể hỗ trợ kịp thời?
Việc hỗ trợ trẻ là một việc cực kỳ quan trọng để giúp trẻ tích cực hơn trong giai đoạn này, có thể dự phòng các khủng hoảng như đã trình bày ở trên. Người lớn cần có sự giải thích rõ ràng, dễ hiểu và tích cực về COVID - 19 cho trẻ hiểu, nhất là trẻ còn nhỏ. Việc giải thích này cần một bối cảnh và cách thức truyền đạt đơn giản phù hợp với trẻ nhỏ, thậm chí giải thích theo các câu chuyện về COVID -19 để trẻ có thể nắm bắt, thực hành và chấp nhận một cách tích cực. Có thể sử dụng cuốn sách nhỏ của Tổ chức y tế thế giới "Người hùng của tớ là cậu" để cùng đọc và giải thích cho trẻ hiểu.
TS Lê Minh Công
Cùng thiết lập với trẻ tại nhà một lịch trình và thời khoá biểu một cách phù hợp nhất để làm sao trẻ cảm nhận thấy sự thoải mái, hài lòng nhưng cũng cần được duy trì những nguyên tắc thói quen hàng ngày. Với trẻ nhỏ, các nguyên tắc và duy trì này cần được khích lệ bằng cách trao tặng trẻ những phần thưởng khích lệ (có thể là tình yêu, cái ôm hoặc một vật nhỏ nào trẻ thích…). Điều này làm cho trẻ thấy việc duy trì dễ dàng và rèn luyện được các hành vi tích cực.
Trong giai đoạn ở nhà, cha mẹ hãy cùng trẻ làm điều gì đó trẻ yêu thích như trồng cây, viết lách, vẽ, làm công việc hàng ngày, đọc sách, hoặc thảo luận cùng trẻ làm một dự án ý nghĩa nào đó như sáng tác một câu chuyện tranh, vẽ một cuốn sách nhỏ … Những công việc này giúp trẻ gia tăng cảm nhận hạnh phúc bên cha mẹ, và giúp trẻ phát triển các giá trị cộng đồng tích cực.
Dành cho trẻ các cơ hội kết nối trò chuyện cùng người quen, đặc biệt là các bạn trong lớp của trẻ thông qua công nghệ. Điều này gia tăng cảm xúc xã hội tích cực mà trẻ trải nghiệm trong ngày. Tìm kiếm các khóa học trực tuyến, hoặc các câu lạc bộ trực tuyến cho trẻ theo học hoặc kết nối giúp trẻ gia tăng tri thức, kỹ năng và kết nối xã hội tốt hơn.
Trong giai đoạn đi học, cha mẹ cần dành thời gian hỗ trợ trẻ nhiều hơn bằng cách giúp trẻ chuẩn bị sách vở, kết nối đường truyền, tham gia nhóm lớp… Các chiến lược này sẽ giúp trẻ tốt hơn trong quá trình học tập. Lẽ dĩ nhiên, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cũng cần khoẻ mạnh và không khủng hoảng mới có thể giúp trẻ tốt hơn được.
PV: Với những em nhỏ phải chịu cảnh mồ côi khi bố mẹ mất vì bệnh, làm cách nào để trẻ vượt qua khủng hoảng tâm lý, thưa chuyên gia?
Giúp trẻ em hay cả bản thân người lớn trải qua các khủng hoảng tâm lý, nhất là sự mất mát là một việc cực kỳ quan trọng và khó khăn. Việc đầu tiên, cha mẹ hay người nuôi dưỡng hãy dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với trẻ. Hãy chuẩn bị thật kỹ để nói cho trẻ hiểu về nỗi mất mát mà trẻ đang phải trải qua, đừng che giấu trẻ. Tuy nhiên, cách thức chia sẻ cùng cần phải thật phù hợp để trẻ không thấy quá khủng hoảng khi trải nghiệm sự mất mát này.
Hãy ở bên cạnh, ôm trẻ vào lòng và lắng nghe trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn để có thể bộc lộ mọi cảm xúc tiêu cực mà trẻ có lúc đó. Đừng bắt trẻ phải chịu đựng cảm xúc của mình và phải giữ kín nó. Hãy lắng nghe và hướng dẫn trẻ cách thức chuyển cảm xúc tiêu cực bằng các cách thức khác nhau như vẽ, nói, khóc, … Cố gắng thấu hiểu và tìm hiểu xem sự mất mát làm trẻ lo lắng điều gì? Từ đó người lớn hãy kể những câu chuyện vui tươi và nhiều giá trị để trẻ có thể tưởng tượng và thoát ra các cảm nhận tiêu cực.
Nếu trẻ có những sang chấn kéo dài, hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực: thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối, ... hãy liên hệ ngay với một nhà tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để có thể hỗ trợ trực tuyến cho trẻ.
Nguồn https://giadinh.net.vn