Tình bạn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của không chỉ người lớn mà cả của trẻ con. Đây cũng là một nhân tố không thể thiếu để xây dựng lòng tự tin và quý trọng bản thân của mỗi đứa trẻ.
Khuyến khích tình bạn
Những tháng năm đầu đời, trẻ đã biết cách chơi với những đứa trẻ khác. Nhưng khi đó, trẻ hành động hoàn toàn theo bản năng và chưa hề ý thức được về tình bạn và việc có bạn, cho đến khi trẻ được trên ba tuổi.
Từ ba, bốn tuổi, đặc biệt khi trẻ bắt đầu tham gia vào lớp học mẫu giáo, tình bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành lòng tự tin. Khi cha mẹ củng cố những mối quan hệ bạn bè cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy an tâm và vui vẻ khi bắt đầu làm quen với môi trường trường lớp mà không có cha mẹ ở bên.
Giúp trẻ kết bạn
Khả năng kết bạn của bé phụ thuộc vào cách cha mẹ khuyến khích những mối quan hệ này. Bác sĩ tâm lý người Anh, Claire Halsey cho rằng: "Biết cách bày tỏ sự quan tâm của mình tới người khác là điều quan trọng nhất đối với kỹ năng xây dựng tình bạn ở trẻ".
Chính vì thế, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ sự quan tâm với mọi người xung quanh, nên tán dương, khen ngợi trẻ khi chúng có hành động thể hiện sự quan tâm, cảm thông với người khác.
Đưa ra cho trẻ một ví dụ cụ thể là cách tốt nhất giúp trẻ học cách kết bạn. Thậm chí nếu phát hiện ra bé yêu của mình có những biểu hiện khó hoà đồng, bạn cũng có thể lấy đó làm ví dụ để giúp trẻ tự tin kết bạn và hoà nhập với môi trường xung quanh.
Hãy để cho trẻ nhìn thấy bạn giúp đỡ mọi người như thế nào: Giúp đỡ một người hàng xóm xách một giỏ hàng khi họ đang mang xách quá nặng, cho hàng xóm mượn vật dụng trong nhà mà bạn có khả năng cho mượn, chia sẻ đồ ăn ngon với những người già, trẻ em trong xóm.
Điều quan trọng là lôi kéo được trẻ tham gia vào những việc làm đó, ví dụ nhờ bé mang đồ ăn sang biếu một cụ già cạnh nhà, cho em bé hàng xóm mượn đồ chơi khi em đang khóc...
Hãy cùng trẻ nói chuyện, giao tiếp với những đứa trẻ khác, thậm chí giúp con giao tiếp dạn dĩ hơn với những người không cùng lứa tuổi. Điều này dạy cho con bạn biết cách hòa đồng với những người khác.
Cố gắng tổ chức những bữa cơm họp mặt vui vẻ, hoặc những buổi đi chơi với những người bạn của mình. Đừng quên nhắn họ cho con em đi theo. Trẻ sẽ có cơ hội thật tự nhiên để giao tiếp và kết bạn.
Nếu bé yêu nhà bạn quá nhút nhát, hãy bắt đầu khả năng kết bạn của chúng bằng cách tổ chức những trò chơi đơn giản với những đứa trẻ cùng tuổi khác như trò nặn đồ vật. Bằng cách này trẻ sẽ cùng nhau tạo ra từng bộ phận của đồ vật.
Xử lý khi trẻ cãi lộn
Đừng quá căng thẳng. Những cãi lộn và xung đột với bạn bè thủa thơ bé là một đặc điểm hết sức bình thường trong quá trình phát triển. Hãy giải quyết như sau:
- Nếu trẻ đang rất buồn về sự đổ vỡ mối quan hệ bạn bè, trước tiên hãy tỏ ra cảm thông.
- Khuyến khích trẻ lấy lại niềm tin và cho chúng thấy rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh.
- Nhắc lại chuyện cũ khi trẻ đã lấy lại bình tĩnh. Hãy tập trung vào câu chuyện của trẻ để chúng thấy rằng bạn thực sự đang lắng nghe.
- Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự tha thứ trong mối quan hệ với người khác. Cố gắng chỉ ra cho chúng một ví dụ về việc chúng đã từng được tha thứ như thế nào, và khuyến khích chúng trở thành người biết tha thứ.
- Đừng nên can thiệp quá sâu vào chuyện bạn bè của trẻ khi trẻ có lý lẽ riêng của mình. Nên khuyến khích trẻ giải quyết mâu thuẫn, cãi vã với bạn bè một cách độc lập mà không cần có sự can thiệp của người khác.
- Nếu trẻ có cách đối xử không tốt với bạn bè, hãy khuyến khích trẻ có những hành động khác để bù đắp lại những sai trái mình đã gây ra. Nói cho trẻ biết hành động đó có tác động không tốt như thế nào đối với bạn của chúng. Nếu cần thiết, hãy gọi điện cho cha mẹ của bạn con để xin lỗi, cố gắng cho trẻ thấy điều này. Trẻ học được cách biết nói lời xin lỗi với bạn bè từ chính cha mẹ mình.
- Nếu tình bạn đó đã thực sự đổ vỡ và không thể cứu vãn, hãy khuyến khích con xây dựng những mối quan hệ bạn bè mới. Cho chúng biết ý nghĩa của sự mất mát tình cảm. Điều này có thể giúp chúng xử lý tốt hơn với mối quan hệ mới về sau.