Trên thực tế, các vụ bắt cóc trẻ em thường được tiến hành bởi người quen và người thân trong gia đình hơn là bởi người hoàn toàn xa lạ. Dù Việt Nam chưa có số liệu cụ thể, số liệu của trung tâm Action Against Abduction cho biết tại Anh quốc và xứ Wales, trong năm 2017 – 2018, chỉ có 40% trẻ em bị người lạ bắt cóc, 20% trẻ em bị bắt cóc bởi một thành viên trong gia đình và 40% còn lại bị bắt cóc bởi người mình quen biết.
Ảnh: Unsplash
Để học tự vệ một cách hiệu quả, trẻ em cần hiểu được rằng không phải người lạ nào cũng là người xấu, và không phải người xấu nào trông cũng dị hợm và đáng sợ. Những kẻ có ý định làm hại trẻ nhỏ thường sẽ ăn mặc đàng hoàng, đứng đắn, tỏ ra vui vẻ, thân thiện để chiếm được niềm tin của trẻ.
Pattie Fitzgerald – nhà sáng lập tổ chức Safely Ever After về giáo dục tự vệ cho trẻ em – gợi ý, phụ huynh nên trao quyền và tạo cảm hứng cho con bằng các cuộc trò chuyện cởi mở về an toàn, về tự vệ chứ không nên dọa cho trẻ sợ. Thảo luận giữa cha mẹ và con cái về các nguyên tắc đảm bảo an toàn của gia đình là việc làm tích cực và cần thiết, giúp con trưởng thành và sẵn sàng cho trách nghiệm tự bảo vệ mình hơn, mỗi ngày.