Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Định (nay là xã Kim Liên hay làng Sen), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy) và mẹ là Hoàng Thị Loan. Ngày bé, Người được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, là thứ ba trong gia đình có bốn con.
Lần đầu tiên, sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào năm 1946, do vậy, ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức chúc mừng sinh nhật được tổ chức, như để biểu thị khối đoàn kết của Nhân dân quanh vị nguyên thủ của một quốc gia non trẻ, đang phải đương đầu với những thử thách to lớn, liên quan đến vận mệnh quốc gia, chứ không phải là một sự sùng bái đối với một lãnh tụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 18/5/1946, tờ “Cứu quốc” - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh đăng bài báo “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”. Trong bài báo, lần đầu tiên công bố ngày sinh của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Ngày 19 tháng Năm này, năm mươi sáu năm trước đây (1890) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh. Bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết các chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông hun đúc).
Cũng ngày hôm đó (18/5/1946), Đô đốc Đácgiăngliơ - nhân vật diều hâu trong chính giới Pháp đến Hà Nội và đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì cuộc gặp mặt lại diễn ra trước Ngày sinh nhật của vị nguyên thủ nước chủ nhà, nên theo phép lịch sự, viên Đô đốc thực dân phải dành những lời lẽ thiện chí: Ngày mai là lễ sinh nhật của Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch trường thọ. Người cũng đáp lại bằng những lời lẽ thân thiện: Thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Cũng kể từ đó, ngày 19-5 chính thức được xác nhận là ngày sinh của Người.
Ngày 19/5/1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, Ngày sinh nhật diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang), chỉ là một bó hoa rừng của những người thân cận dành tặng Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng vừa qua đời vì bệnh sốt rét.
Đáp lại những lời chúc mừng vào sinh nhật năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cám ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Trong thư có đoạn: “Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho các con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do”(2).
Vào dịp 19/5/1949, đáp lại đề nghị tổ chức sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ “Không đề”:
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”(3).
Ngày 19/5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã mừng thọ và hẹn: “… đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sĩ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là Ngày sinh nhật của tôi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp, quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954
và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, cuối năm 1953
Vào dịp 19/5/1950, trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang) đáp lại tình cảm của mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một bài thơ tự cảm về tuổi tác của mình:
“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành(*) vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên”(5).
Ngày 20/5/1951, trong thư cảm ơn gửi tới các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã chúc mừng sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc, và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến: Kháng chiến thắng lợi, Kiên quyết thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới”(6).
Vào dịp tròn 63 tuổi (19/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bài thơ chữ Hán “Thất cửu”, Nhà thơ Xuân Thủy dịch:
“Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày ung dung”(7).
Ngày 19/5/1954, lễ mừng sinh nhật hòa chung với không khí đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những đại biểu chiến sĩ có thành tích tiêu biểu từ chiến trường về chiến khu. Bác đã gắn huy hiệu cho chiến sĩ trẻ bắt sống tướng Đờ Cáttơri. Và trong cuộc gặp, còn có một vị khách đặc biệt là nhà điện ảnh Xô-viết Rôman Cácmen, người đang thực hiện những bộ phim về Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của Nhân dân ta.
Sau ngày miền Bắc hòa bình, Người thường vắng mặt ở nhà để tránh những cuộc tiếp mừng sinh nhật. Ngày 19/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chùa Hương. Ngày 19/5/1959, Người đi thăm chùa Tây Phương.
Từ năm 1960 đến 1967, vào trung tuần tháng 5, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sang Trung Quốc để làm công tác ngoại giao, tranh thủ nước bạn ủng hộ cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở trong nước.
Ngày 20/5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa III. Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng chúc thọ nhân sinh nhật lần thứ 78, Người đáp lại: “… Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ thế này:
Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta”(8).
Ngày 19-5 của hai năm cuối cùng 1968, 1969, vào khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dành để xem và sửa lại “Di chúc”. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 19-5-1969, Người tiếp chị Phan Thị Quyên, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và chị Nguyễn Thị Châu, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định đến chúc thọ Người. Dường như vào thời điểm chiến tranh còn gian khổ và nước nhà chưa thống nhất, những tình cảm sâu nặng nhất Người luôn muốn dành cho miền Nam ruột thịt.
Một cái hay, một cái vĩ đại, một cái khác thường ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao, nhưng Người không tỏ ra quan dân lễ cách, không có sự phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Sự từ chối nghi lễ phiền phức về Ngày sinh của mình, của vị Chủ tịch nước, tránh việc chúc thọ, tránh việc nói về mình, không muốn để ai tôn sùng mình - đó cũng là biểu tượng của người đầy tớ của Nhân dân. Chính nhân cách ấy, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho hình ảnh Hồ Chí Minh trở nên cao đẹp và là tấm gương của những đức tính và đạo lý làm người cao đẹp nhất.