Lên 2, bé rất thích chống lại các mệnh lệnh của người lớn bằng từ ‘không'. Dù sự bùng nổ ở bé sẽ làm bạn bực dọc nhưng về cơ bản, bé hành động là chỉ nhằm mục đích được tách ra khỏi bạn. Độc lập và biểu lộ cảm xúc mạnh hơn là đặc tính cơ bản của tuổi lên 2.
Cơn ‘cáu tiết' của bé
Cơn giận dữ thường có nguồn gốc do bé chưa đủ khả năng làm mọi việc theo mong muốn. Khi cáu giận lên tới đỉnh điểm, bé dường như "cáu tiết" kinh hoàng vì chưa đủ ngôn ngữ để bày tỏ cảm xúc của mình. Cơn giận dữ này chỉ là nét bình thường trong giai đoạn phát triển của mỗi bé và thường giảm dần khi bé được 4 tuổi - thời điểm kỹ năng ngôn ngữ và ứng xử ở bé tốt hẳn lên.
Kiểm soát bé 'nổi đóa'
Giận dữ xảy ra theo 2 chiều, cả cha mẹ và bé. Vì thế, khi thấy con lên cơn giận dữ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ bình tĩnh, tránh kích động trước hành vi của bé. Hãy tự kiềm chế cảm xúc của bạn trước. Nếu bạn "điên lên" thì tất nhiên bé nhà bạn cũng như thế. Cũng đừng cười nhạo hay đe nẹt con. Thay vào đó, thử tạm phớt lờ hành vi của bé và đợi một lát để bé bình tĩnh hơn. Điều này cũng giúp bạn không bùng phát những hình phạt quá tay với con. Sau đó, hãy chỉ dẫn và trấn an bé. Có thể nói với con bằng một giọng dễ chịu và giúp bé bày tỏ sự tức giận bằng ngôn ngữ. Cuối cùng, có thể đánh lạc hướng bé bằng một hành động khác.
Kiểm soát 'nổi đóa' ở nơi công cộng
Để bé gào khóc ở nhà là điều đơn giản nhưng hành vi này tái diễn tại nơi công cộng sẽ khiến cha mẹ điên đầu và nhanh mất bình tĩnh. Khi bé giận dữ tại một nơi đông người, đừng ngần ngại vì điều đó không biến bạn thành người mẹ tồi tệ. Rất nhiều người từng làm cha, làm mẹ xung quanh nên họ hiểu trách nhiệm khó khăn mà bạn đang đảm nhiệm.
Hãy bắt đầu tách bé khỏi chỗ đang đứng tới một nơi yên tĩnh hơn như ra bên ngoài hoặc trong nhà vệ sinh. Có thể ôm con cho đến khi cơn giận dữ tạm ngừng và sau đó, hướng dẫn cho bé như cách bạn từng làm tại nhà. Đừng vội đáp ứng điều bé đang đòi hỏi. Nếu bé biết cứ "ngoác miệng" là có kẹo ăn thì chắc chắn, bé sẽ lặp lại tình huống này nhiều lần sau đó.
Ngăn ngừa 'nổi đóa'
Cáu kỉnh có thể xuất hiện khi bé đói, mệt, buồn hoặc bị kích động mạnh. Lường trước những điểm này, bạn sẽ tránh được nhiều tình huống khó chịu. Nên cho bé ăn bữa phụ, ngủ trưa đủ hoặc cho bé chơi ở những nơi yên tĩnh trước khi bạn đưa bé tới nơi tiềm ẩn khả năng gây bực dọc cho bé.
Kỷ luật cho bé
Kỷ luật là cần thiết để giúp bé an toàn và dạy bé giữa cái đúng - cái sai và nó cũng quan trọng để giúp bé tự kiểm soát bản thân. Để đạt được điều này, bạn cần cho bé vài sự lựa chọn: hỏi xem liệu bé thích bộ quần áo màu vàng hay màu xanh da trời ngày hôm nay; liệu bé thích táo hay dưa hấu cho bữa phụ...
Khuyến khích độc lập ở bé
Cáu giận, xét ở một khía cạnh nào đó là điểm quan trọng để bé phát triển tính độc lập. Bạn đừng kìm hãi đức tính này ở bé mà hãy hướng dẫn khi bé cáu kỉnh và cùng bé giải tỏa cơn tức. Đưa bé đi dạo hoặc chạy nhảy bên ngoài, chẳng hạn.