Nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng khả năng thiên bẩm ấy thì ta sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu trong việc khuyến khích trí năng của trẻ
Ngay từ khi mới lọt lòng, não bộ của trẻ có thể ghi nhớ được nhiều khoảnh khắc trong bụng mẹ. Nghe thì có vẻ kỳ lạ, song đó là sự thật 100% bởi các nhà khoa học đã kết luận, tất nhiên, ghi nhớ một cách vô thức. Chính vì vậy nếu chúng ta biết cách nuôi dưỡng khả năng thiên bẩm ấy thì ta sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu trong việc khuyến khích trí năng của trẻ.
Quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội, thường xuyên và tích cực đem đến cho bộ não non nớt và tươi mới của bé những thông tin thú vị dưới nhiều hình thức: trò chơi, câu chuyện kể, những bức tranh... Và đương nhiên còn phải có những điều kiện đủ nữa là một chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng một không khí ấm cúng của gia đình, nơi chỉ có tình yêu và niềm vui ngự trị.
Cơ thể khỏe mạnh - trí tuệ sáng suốt
Sự hoạt động cơ bắp, chân tay giúp ích rất nhiều cho phát triển trí óc bởi khi hoạt động đầy đủ, đúng mức, bộ não của bé sẽ nhận được nguồn ô xy quan trọng, kích thích sự nhanh nhạy trong phản xạ và sự chính xác, lâu bền trong trí nhớ.
Những bài tập khởi động đầu tiên
Trẻ sơ sinh có một trí- nhớ- nhận- biết tuyệt vời. Bé chỉ cần nhìn ngắm đồ vật một lần là sau đó có thể nhận ngay ra đồ vật ấy như một người bạn quen thuộc. Chắc bạn cũng để ý thấy bé kêu lên vui sướng thế nào khi mẹ đưa cho một món đồ chơi bé đã từng được chơi một lần, bé như muốn nói: "A, mình nhận ra bạn rồi!".
Bé sẽ còn ghi nhớ đồ vật nhanh hơn nếu đồ vật ấy được bố hoặc mẹ cầm đưa cho vì đối với bé đây là những người thân yêu nhất, quan trọng nhất trên đời trong những ngày đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống. Những gì của bố mẹ, nằm trên tay bố mẹ là bé thấy gần gũi nhất rồi. Vậy hàng ngày bạn hãy đưa cho bé một đồ vật mới, giới thiệu với bé tên gọi và tác dụng của nó với một giọng thật vui vẻ và truyền cảm.
Phía trên nôi của bé, bạn hãy treo nhiều đồ chơi bắt mắt, nếu có nhạc và quay được thì càng tốt, nhưng chú ý nhạc thì vừa nhẹ và độ quay không quá nhanh. Khi để bé nằm sấp, hãy đặt dồ chơi màu sắc sặc sỡ ra trước mặt bé để bé cố gắng rướn người về phía đó, thậm chí cố bắt hoặc với lấy.
Từ 6 tháng tuổi, khả năng nhận biết và ghi nhớ của bé tăng lên gấp bội.
Bé rất nhạy với màu sắc, và tất nhiên bé thích những đồ vật màu sắc rõ ràng. Bé còn rất nhạy với các hành động. Hãy đưa cho bé chiếc ôtô nhựa có bánh xe to, quay quay bánh xe ấy, bạn sẽ thấy bé theo dõi hành động này rất chăm chú.
Vài ngày sau bạn đưa ôtô ra, bé sẽ quan tâm ngay đến việc bánh xe có quay như lần trước hay không. Bé đã nhớ được các hành động. Vậy đây là thời điểm bạn chọn mua cho bé những đồ chơi có cử động. Khi chơi, bé ghi nhớ hành động của ôtô, của máy bay, của lật đật... và được bố mẹ cung cấp thêm nhiều thông tin có ích nữa như ôtô để chở bố mẹ và con đi chơi, máy bay chở bố đi công tác... Hãy tin là tuy chưa nói được ra, nhưng bé hiểu và thu nhận hết những thông tin ấy đấy.giup_tre_ren_tri_nho2.jpg?w=900
Khi đầy tuổi, bé bắt đầu chập chững những bước đầu tiên. Bây giờ bạn cần nhờ đến sự trợ giúp của bậc cầu thang trong nhà hoặc đu quay ở sân chơi công cộng, ở công viên, nhà trẻ.
Hãy mạnh dạn cho bé trèo lên cầu trượt, mỗi ngày một ít, bố mẹ đỡ bên cạnh để bé không sợ. Dần dần chân bé sẽ cứng cáp và bé sẽ dạn dĩ hơn nhiều, sẽ tự mình đi, chạy, nhảy, leo trèo thuần thục và thích thú.
Trẻ từ 1 tuổi trở lên hoàn toàn hiểu nội dung những bài thơ đơn giản mà bạn đọc và, tuy chưa biết nói, bé vẫn ghi nhớ tất cả những gì nghe được một cách dễ dàng.
Khi bé 2 đến 3 tuổi, bạn đừng ngại ngần sắm cho bé xe đạp hoặc ván trượt. Chính ở tuổi này độ nhanh nhạy trong suy nghĩ phát triển cực điểm đồng thời với độ nhanh và tích cực trong sự hoạt động chân tay.
Từ 2 đến 3 tuổi các khả năng tuyệt vời của trí nhớ đã phát triển ngang với người lớn, không kém một chút nào.
Bé đã là một người lớn thu nhỏ. Bé có thể phân biệt được cả một hệ thống đồ vật chứ không chỉ một đồ vật riêng lẻ. Ví dụ như bò, dê, gà, mèo, chó ...là các con vật, còn chanh, cam, bưởi, lê... là hoa quả.
Lúc này bố mẹ sẽ dùng đến những bức tranh, những hình ảnh minh họa để kích thích khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin của bé. Bạn có thể dùng những tấm bìa cứng có hình ảnh (gọi là loto) cho bé chơi và xếp các hình vào những chiếc hộp theo hệ thống sự vật mà bé nhận thức được. Luyện trí nhớ-
Người lớn chúng ta thường luyện trí nhớ bằng cách đọc sách, giải ô chữ...Còn trẻ em thì luyện trí nhớ thông qua trò chơi.
Những trò chơi rất có lợi ở tuổi này là trò xếp hình bằng gỗ, bằng nhựa, bằng bìa. Bạn hãy chọn những hình đơn giản, màu sắc rõ nét và đi từ những bức có ít miếng ghép nhất. Hãy cùng bé xếp hình, vừa xếp vừa giảng giải cách suy nghĩ logic giúp bé xếp hình dễ và nhanh hơn. Khi bé tự xếp, bạn cũng gợi ý cho bé theo hướng suy nghĩ như vậy. Đừng quên khen ngợi khi bé lắp thành công.
- Khi cùng đọc sách hay xem tranh, hãy cùng bé dùng lời diễn tả bức tranh ấy. Bạn và bé có thể nghĩ ra các câu chuyện thú vị xoay quanh những bức tranh, hình ảnh những đồ vật trong trí nhớ của bé sẽ sinh động hơn nhiều.
Ví dụ khi đưa cho bé tấm bìa có in hình con sâu, hãy kể cho bé con sâu hay ăn lá như thế nào, các bạn cây và lá sợ hãi ra sao khi thấy con sâu bò đến... Trí nhớ kết hợp với sự tưởng tượng mới là trí nhớ "mở", rất cần thiết cho trẻ nhỏ trong việc học tập sau này.
- Hãy tìm thời gian đọc cho bé nghe những câu chuyện cổ tích, cùng bé bàn luận về các nhân vật: nàng Tiên Cá đẹp tuyệt trần có giọng hát du dương, cô bé Lọ Lem hiền lành, chăm chỉ, mụ Phù Thủy độc ác... Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn đọc thơ cho bé nghe. Vần điệu bài thơ là công cụ luyện trí nhớ tốt nhất.
Nó không chỉ làm trẻ nhớ được lâu, bền, mà còn cho trẻ biết nhiều xúc cảm qua giọng đọc ngân nga những câu thơ vui vẻ, dễ hiểu.
- Hãy cùng bé chơi trò chơi đóng kịch, phân vai. Hóa thân vào nhân vật như con chó sói, con gà, con mèo, cô bé quàng khăn đỏ..., bé sẽ nhớ những câu chuyện mẹ kể một cách sinh động, có khi nhớ đến suốt đời.