2 tuổi, bé trở nên hay nghi ngờ người lạ. Bất kỳ khuôn mặt mới nào (dù là thân thiện) cũng reo rắc nỗi sợ hãi trong bé.
Bây giờ, con của bạn có khả năng tư duy phức tạp hơn. Bé hiểu người bên ngoài có thể gây nguy hiểm cho bản thân mình. Trong phần lớn trường hợp, bé sẽ bình tĩnh trở lại khi người lạ rút lui.
Những nỗi lo lắng khác ở bé lên 2:
Con ma dưới gầm giường, con chó nhà hàng xóm, tiếng giật nước toilet... là những nỗi sợ đa dạng với bé 2 tuổi. Nỗi sợ ấy bắt nguồn từ trí tưởng tượng và khả năng dự đoán ở bé. Lo sợ có thể phát sinh từ một số sự cố thực tế; chẳng hạn, bé từng bị một con chó tấn công hoặc từng nhìn thấy những hình ảnh kinh sợ trên tivi.
Cũng có khi nỗi sợ do trí tưởng tượng thái quá của bé: bóng tối, chuyển động của máy giặt, đèn nhấp nháy từ một quán ăn. Ở giai đoạn này, bé dễ bị lây tâm lý sợ hãi. Nếu chị gái của bé sợ những khuôn mặt hề thì bé cũng có thể sợ nó.
Một số bé cảm thấy không an toàn trong những môi trường mới. Bé không chịu tham gia trò chơi nếu ở đó có toàn người lạ và những hoạt động mới.
Giúp bé không còn lo sợ
Khi con bạn lo lắng, hãy ôm và trấn an bé
Khi con bạn lo lắng, hãy ôm và trấn an bé. Nhưng dừng lại ở đó là chưa đủ, bạn cần giúp bé chinh phục và vượt qua sợ hãi. Vài lời khuyên cho bạn như sau:
Xác nhận nỗi sợ của bé: Một số lo lắng của bé là bình thường. Nếu bé sợ lạc mẹ trong cửa hàng, hãy nói với bé rằng, bạn cũng sợ như thế; hướng dẫn bé nắm lấy tay mẹ và luôn ở bên cạnh mẹ vì làm vậy, bé không bị lạc.
Ngoài ra, cần chào tạm biệt khi bạn để bé ở nhà cùng ông bà, khi gửi con đi nhà trẻ... Hãy nhắc để bé nhớ là bạn sẽ đón bé.
Thảo luận về nỗi sợ: Bé 2 tuổi có trí tưởng tượng tốt nhưng ngôn ngữ lại hạn chế. Do đó, bé sẽ gặp khó khăn khi miêu tả nỗi sợ hãi của mình. Tuy nhiên, nếu được bạn hướng dẫn, bé sẽ biết cách diễn tả cảm xúc tốt hơn. Phân biệt xem là do bé đang buồn, giận dữ hay sợ hãi? Chọn từ để mô tả nỗi sợ của bé cũng là cách giúp bé giảm lo lắng.
Cho phép bé bám mẹ: Được bám vào mẹ giúp bé cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Bạn tránh nói: "Con thật nhát" hoặc "Con lớn rồi, đừng bám lấy mẹ". Buộc bé lại gần một chú cún hoặc tắt hết đèn trong phòng ngủ của bé không phải cách hay.
Dùng trí tưởng tượng của bạn: Cười, động viên sẽ giúp bé bớt sợ. Nếu con bạn sợ hãi với cơn giông, bạn có thể kể một câu chuyện về phép thuật. Tương tự, nếu bé sợ con quái vật ẩn nấp trong tủ quần áo, bạn có thể nói: "Mẹ kiểm tra và không có con quái vật nào cả. Nhưng mẹ sẽ bật đèn ngủ để xua quái vật giúp con".
Chiều theo ý của bé: Cho đến khi bé lớn hơn và hiểu biết hơn, bạn hãy làm những điều khiến bé thoải mái nhất. Nếu bé sợ tắm vì bé nghĩ sẽ bị hút vào ống thoát nước, bạn hãy để bé ngồi trên chiếc ghế nhựa trong bồn tắm. Đưa cho bé một cái khăn đặc biệt và giúp bé tự tắm. Cuối cùng, nếu bé vẫn sợ, bạn hãy để bé ra ngoài mới nên xả nước trong bồn tắm.
Kế hoạch trước: Nếu bé luôn căng thẳng ở nơi đông người hoặc ở chỗ mới, bạn có thể dạy bé cần làm gì. Đề cập trước với bé rằng, bạn và bé đang đi đến một nơi mới và bé sẽ gặp một số người mới. Bé có thể cầm theo món đồ chơi yêu thích và ngồi trong lòng mẹ cho đến khi nào thấy thoải mái.
Lưu ý: Nếu nỗi sợ của bé ảnh hưởng đến sinh hoạt, bé không ngủ đuợc hoặc có hành vi bất thường, bạn cần đưa con đi khám.