Nắm rõ những phản ứng này của trẻ là bạn sẽ hiểu ngay bé đang muốn gì.
Các bậc cha mẹ đều biết rằng, năm đầu đời của bé là giai đoạn khó khăn nhất. Em bé hầu như chỉ biết khóc và khóc, điều này khiến cho những người có con lần đầu cảm thấy lúng túng, không biết xử lý như thế nào. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là cách duy nhất bé có thể giao tiếp với bố mẹ. Mỗi tiếng khóc của trẻ là mỗi cách thể hiện nhu cầu khác nhau. Sau đây là các dấu hiệu cần thiết, mà các phụ huynh nên nắm rõ, để biết bé yêu nhà mình đang thật sự cần gì nhất.
Cách khóc của bé trong 4 tháng đầu đời
Khóc là hình thức giao tiếp đầu tiên và chủ yếu nhất mà trẻ sơ sinh có thể làm. Ngay khi sinh ra bé đã có khả năng này. Có nhiều nguyên nhân có thể khiến cho bé khóc: bé đói bụng, bé bị ướt tã, chân bé bị lạnh, bé cảm thấy mệt mỏi… hay thậm chí không vì lí do gì cả. Sau đây là 7 cách khóc của trẻ mẹ nên biết.
Khóc để gọi
Để bố mẹ chú ý tới mình, khi đó bé sẽ khóc từ khoảng 5 đến 6 giây sau đó tạm ngừng trong khoảng 20 giây. Điều này cũng chứng tỏ em bé đả ở một mình khá lâu và muốn được bố mẹ ôm ấp quan tâm một chút. Nếu bạn vẫn mặc kệ, thì sẽ còn nghe kiểu khóc này cho đến khi bé được bế lên mới thôi.
Khóc vì đói
Khi đói bé sẽ khóc, kèm theo đó hành động lắc nhẹ đầu và nhóp nhép miệng liên tục. Kiểu khóc này cũng giống như kiểu khóc để gọi vậy, nhưng lần này sẽ dữ dội, nức nở hơn. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất đã tới lúc con muốn ăn rồi đấy mẹ ạ.
Khóc vì đau
Tiếng khóc của trẻ sơ sinh bị ốm khác hẳn tiếng khóc do đói hay buồn chán. Nếu bạn đã vỗ về và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản mà bé vẫn khóc thì cần tìm kiếm các dấu hiệu bệnh tật, chẳng hạn cặp nhiệt độ để xem con có sốt không nhé.
Khóc vì phản ứng sinh lý
Em bé cũng có những chức năng cơ thể như người lớn. Từ xì hơi cho đến tiểu tiện hay đại tiện, đều khiến cho bé cảm thấy khó chịu. Khi ấy em bé sẽ khóc rên rỉ và có lúc khóc ré lên, nếu nghe kiểu khóc này thì mẹ nên kiểm tra xem bé có đi vệ sinh không nhé!
Khóc vì buồn ngủ
Người lớn thường nghĩ rằng khi đã mệt trẻ có thể lăn ra ngủ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Trên thực tế mọi chuyện không dễ như vậy, trẻ có thể quấy khóc. Cứ khoảng 2 tiếng bé sẽ thức một lần chỉ để khóc, tiếng khóc khi đó sẽ là rên rỉ pha thêm một chút gắt gỏng và tất nhiên là không thể thiếu những cái ngáp ngủ đáng yêu rồi. Ngoài ra, khi buồn ngủ em bé còn có hành động dụi mắt, bức tai nữa.
Khóc vì khó chịu
Một số trẻ sẽ gửi tín hiệu đến cha mẹ ngay khi muốn được thay tã. Tiếng khóc khi ấy gắt gỏng cực kì khó chịu, kèm theo đó là đạp tay chân dữ dội hay ưỡn lưng. Lúc này mẹ hãy kiểm tra tã của bé. Hoặc có thể khi con bạn cảm thấy lạnh ví dụ như khi bạn trút bỏ quần áo của bé để thay bỉm hoặc vệ sinh cho bé, con có thể phản ứng bằng cách khóc.
Trẻ sơ sinh thích được ủ ấm nhưng không quá nóng. Nhìn chung, trẻ ít khi "phàn nàn" vì bị nóng so với bị lạnh, và khi bị nóng chúng sẽ không khóc gay gắt như khi bị lạnh
Khóc vì chán
Bé buồn ngủ hoặc thức vào giữa giấc ngủ sâu sẽ bị mệt, khó chịu. Bạn nên tìm cách để giúp bé quên đi như chơi với một số đồ chơi ồn ào, đưa bé đi dạo hay trò chuyện với bé trong lúc này.
Âm thanh phát ra từ trẻ
Nếu đã hiểu được những tiếng khóc thì giờ các mẹ nên hiểu thêm về các âm thanh phát ra từ trẻ. Tiến sĩ nhi khoa người Úc Priscilla Dunstan, đã nghiên cứu các âm thanh phát ra của trẻ từ nhiều quốc gia khác nhau trong vòng 20 năm. Theo nữ Tiến sĩ, các em bé từ 3 đến 4 tháng tuổi sẽ tích cực phát ra âm thanh để giao tiếp với người lớn. Hãy xem, đó là những âm thanh nào nhé!
Na
Nghĩ là: "Con đói rồi cho con ăn đi". Âm thanh phát ra khi trẻ đẩy lưỡi lên vòm miệng, đây cũng là phản xạ mút sữa của trẻ. Lúc này mẹ hãy chuẩn bị thức ăn cho bé, để tránh nghe những tiếng khóc khó chịu của chúng nhé!
Ợ
Đi kèm âm thanh này, khí thừa sẽ thoát khỏi thực quản của em bé và ra bằng đường miệng. Cho bé ợ hơi không phải việc làm bắt buộc, nhưng điều này có thể tỏ ra rất hiệu quả nếu thấy bé khóc sau khi ăn. Trẻ nuốt nhiều khí khi bú mẹ hoặc bú bình, và khí bị kẹt lại có thể khiến bé khó chịu.
Aoa
Khi bé phát ra âm thanh này, cũng là lúc bé đã mệt sau giờ chơi và muốn đi ngủ. Bé chụm môi và trước khi ngáp sẽ tạo ra âm thanh này. Còn chần chờ gì nữa mà mẹ không chuẩn bị nệm ấm chăn êm cho bé yêu nào.
E
Đây là âm thanh phát ra khi bé bị tức bụng. Bé sẽ khóc rên rỉ, ưỡn bụng và thở ra. Massage là cách giảm các triệu chứng khi trẻ ăn khó tiêu và đầy hơi hiệu quả. Nhẹ nhàng dùng các ngón tay của mẹ xoay tròn theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài bụng của trẻ. Có thể dùng dầu massage để tay mẹ không bị rít khi chạm vào da của con. Tuy nhiên, không nên massage ngay sau khi trẻ vừa ăn xong mẹ nhé!
Ngôn ngữ cơ thể của trẻ
Tiếp đến sẽ là hành động của trẻ. Trẻ có những hành động như giơ tay, ưỡn lưng hay nắm tay... đây là những ngôn ngữ cơ thể đặc trưng nhất của chúng, để mẹ biết được chúng đang cần gì.
Ưỡn lưng
Cử chỉ này sẽ xảy ra sau khi bé được sinh ra một vài tuần, các bé bắt đầu uốn cong người khó chịu, thậm chí kèm khóc lóc (đây có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh). Biểu hiện này cũng có thể do bé bị trào ngược thực quản, mỏi người, hoặc một khó chịu nào đó. Khi bé ưỡn người, mẹ hãy bế bé lên, xốc lên vai và vỗ nhẹ vào lưng bé, hoặc cho bé ngồi dậy chơi vài phút.
Lắc đầu
Đây là cách em bé tự trấn an khi sắp ngủ hoặc bé lắc đầu là khi gặp những người chưa quen. Đây là dấu hiệu bình thường, tuy nhiên để giúp bé bình tĩnh hơn các mẹ nên bế bé và xoa nhẹ ở lưng trẻ trong khoảng vài phút.
Túm tai
Nghe có vẻ bình thường không có gì đáng sợ nhưng nếu bé túm tai nhiều lần thì mẹ nên đưa con đi khám. Còn chỉ 1, 2 lần thì cứ yên tâm nhé, chỉ đơn giản là bé đang khám phá cơ thể thôi.
Nắm chặt tay
Bạn hãy nhìn vào tay con sau khi bé đã bú xong và đi ngủ, nếu bàn tay bé nắm chặt tức là bé vẫn chưa bú đủ, còn khi bàn tay bé thả lỏng thoải mái thì mẹ yên tâm bé đã bú đủ và no bụng.
Nâng chân lên không
Có rất nhiều ý nghĩa ở hành động này. Nếu bé đạp chân kèm theo thái độ khó chịu nghĩa là bé đang giận dỗi mẹ vì mẹ không chiều theo ý bé chẳng hạn. Đặc biệt các bé từ 6 tháng tuổi trở đi đã biểu hiện cơn giận dỗi rất rõ rồi mẹ nhé. Còn nếu khi mẹ cho bé tắm hoặc bé chơi, bé tỏ ra thích thú đạp chân nghĩa là bé đang rất vui đó mẹ. Lúc này, mẹ hãy làm các bộ dạng ngộ nghĩnh, vui đùa cùng trẻ để kéo dài niềm vui của con.
Giơ tay lên
Đây là phản ứng cho thấy trẻ đang bị kích động, sợ hãi nhé mẹ. Mẹ cần lưu ý về tần suất giật mình trong ngày của trẻ, vì nếu giật mình quá nhiều có thể cho thấy thần kinh con không ổn định và cần đưa đi gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra, mẹ hãy luôn tạo môi trường yên tĩnh để con vui chơi, nghỉ ngơi, hạn chế tình trạng khiến trẻ sơ sinh giật mình giúp con phát triển não bộ tốt nhất.
Đối với những mẹ, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh là một hành trình dài với biết bao điều lạ lẫm cần phải học hỏi. Để là một bà người mẹ thông thái thì những điều này là vô cùng cần thiết. Thông qua những dấu hiệu của bé trên đây, bạn hoàn toàn có thể yên tâm có biết được trẻ bú sữa đủ no hay chưa? Nếu có tuyệt chiêu gì hay ho đừng đừng quên chia sẻ nhé!