Bài viết sau được dịch từ chia sẻ trên www.lifehack.org của Dr. Magdalena Battles, một giáo sư trọng nghành tâm lý học lâm sàng, chủ nhân trang web Living Joy Daily với những chia sẻ về kinh nghiệm của bà trong cuộc sống.
Một số đứa trẻ muốn lớn lên trở thành cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp hoặc phi hành gia, còn con gái tôi lại mong muốn lớn lên trở thành một chú kì lân. Rất nhiều phụ huynh vẫn thường nói với con cái của họ rằng chúng có thể lớn lên và làm bất cứ điều gì mình muốn. Điều đó thật tuyệt vời, trừ khi con gái bạn muốn trở thành một con kỳ lân hay khi con trai bạn 16 tuổi, chỉ cao 5′ 5” (1.65 m), và muốn chơi bóng rổ cho đội Chicago Bulls. Nếu đứa con 16 tuổi kia của bạn có những giấc mơ không thực tế về thể thao chuyên nghiệp mà không có một kế hoạch dự phòng như một nền giáo dục đại học hoặc các mục tiêu khác ngoài giấc mơ thể thao chuyên nghiệp ấy, sau đó bạn sẽ làm chúng thất vọng với tư cách là một phụ huynh bằng cách nói “Con có thể làm bất cứ điều gì con muốn”. Mong ước kì lạ khi lớn lên trở thành một chú kì lân của con gái tôi là điều không thể. Tôi có thể đáp lại con bé rằng “Trở thành một chú kì lân rất tuyệt, nhưng chúng ta không thể thay đổi loài khi lớn lên, mặc dù thật vui khi giả vờ là một con kỳ lân như bây giờ”.
Thực tế và sự thật cần phải đi đôi với lời khuyên của bạn dành cho con cái mình. Nếu không, đứa con 16 tuổi của bạn với ước mơ trở thành một người chơi bóng chuyên nghiệp có thể sẽ trở thành một người 25 tuổi sống ở tầng hầm nhà bạn và giao bánh pizza để kiếm sống.
Đừng chia ra lời khuyên tốt và không tốt bởi đơn giản nó không đúng trong thế giới thực. Việc cần làm là đánh giá những lời khuyên mà bạn đang đưa ra với những đứa con của mình: Nó có đúng và thực tế hay không? Có ích hay có hại với chúng trong thời gian dài?
Đã đến lúc phải thay thế những cụm từ xáo rỗng quen thuộc ấy bằng cách suy nghĩ để tìm ra lời khuyên thực sự có hiệu quả trong thế giới thực và có thể giúp đỡ bọn trẻ, chứ không phải làm hại chúng.
Dưới đây một số lời khuyên quen thuộc cần phải loại bỏ mà ngày nay cha mẹ vẫn còn sử dụng, cùng với gợi ý về những gì bạn thực sự cần phải nói.
1. “Làm theo cách bố mẹ nói, không phải theo cách bố mẹ làm”
Đây là một trong số những lời khuyên tồi tệ nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Bởi lẽ trẻ thường học nhiều hơn từ hành vi mẫu của cha mẹ hơn là lời nói của họ. Nếu cha mẹ đang là mẫu người có hành vi không tốt và sau đấy nói “Làm theo cách bố mẹ nói, không phải theo cách bố mẹ làm”, lời nói của họ sẽ trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu họ thừa nhận thiếu sót của mình khi thấy con cái đang dần học theo những thói xấu ấy. Nếu cha mẹ cảm thấy bị ép buộc khi nói những lời đó, có lẽ đã đến lúc họ phải xem xét lại thói quen của mình.
Ví dụ, nếu tôi nói con gái mình không được la mắng em, nhưng ngày nào tôi cũng mắng mỏ chị em nó, có lẽ đã đến lúc tôi phải nhìn lại mình và trở thành một tấm gương hành vi tốt hơn cho con cái bằng cách ngăn chặn những tiếng la hét của mình trước tiên. Thật khó có thể dạy một người nào đó làm thế nào để thay đổi hành vi của họ nếu chính bạn còn không thể hoặc sẽ không tự mình làm điều đó. Hãy cố gắng để trở thành một ví dụ về cách bạn muốn con mình phải hành động, bởi chính bạn là hình mẫu có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của chúng. Hành động mạnh hơn lời nói.
(Ảnh minh họa)
2. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”
Làm sao cha mẹ có thể biết được rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn? Cha mẹ không phải là thầy bói, vì vậy đôi khi tốt nhất không nên sử dụng cụm từ đó, đặc biệt là khi nó không hề hữu ích.
Nếu người bạn thân nhất của con bạn đang hấp hối vì bệnh bạch cầu, sẽ không thực tế mà thực sự có hại cho con bạn khi nói “mọi thứ sẽ ổn thôi”. Thông thường cụm từ đó sẽ khiến trẻ lầm tưởng rằng mọi chuyện sẽ xảy ra theo cách mà chúng muốn. Vì thế, tâm trí đứa trẻ sẽ cho rằng người bạn của chúng sẽ được chữa khỏi bệnh và sớm trở lại trường. Làm sao bạn có thể biết được điều đó có xảy ra hay không, đặc biệt là trong một tình huống nơi mà mọi thứ được coi là “ở giai đoạn cuối” của sự “khó có thể thành công”.
Đừng hướng con bạn đến những hi vọng sai lầm, bởi bạn sẽ bị cho là một kẻ nói dối. Điều này cũng ức chế khả năng xử lý tình huống của con bạn. Thay vì khiến mình trở thành một kẻ nói dối, hãy thực tế. Hãy để con bạn biết một cách nhẹ nhàng và tế nhị thực tại của những gì có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, cùng với đó, bạn cũng có thể cho phép chúng tiếp tục hi vọng. Đừng cố gắng lừa dối chúng về mức độ nghiêm trọng của tình hình bằng cách nói “mọi thứ sẽ ổn thôi” nếu điều đó rõ ràng là không phải như vậy.
3. “Con trai không khóc lóc”
Tôi không biết ai đã tạo ra lời nói dối này, nhưng nó thực sự kì quặc. Khi cha mẹ nói điều này với con trai của mình, họ đang phủ nhận cảm giác của chúng, gửi tới chúng thông điệp rằng chúng cần phải kìm nén cảm xúc của mình, và kết cục là trong xã hội có rất nhiều người đàn ông che giấu cảm xúc của bản thân.
Trong nhiều thập kỉ cha mẹ đã nói với con trai của họ rằng chúng không được khóc. Tại sao không? Kiềm chế cảm xúc không chỉ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần trong thời gian dài, mà còn ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ. Hãy cho phép con trai của bạn trở thành người đàn ông có thể bộc lộ cảm xúc của mình một cách tự nhiên, kể cả khóc.
4. “Vượt qua nỗi đau.”
Lời nói dối này thực sự có thể làm tổn hại thể chất của trẻ. Tôi từng là một đấu thủ chạy trong nhiều năm và đã có một huấn luyện viên từng nói với tôi “Em cần phải chạy vượt qua nỗi đau”. Lúc đó tôi chỉ là một thiếu niên, nhưng đã thực sự coi trọng lời nói ấy. Tôi cố vượt qua nỗi đau và kết thúc với việc gãy tám cái xương và vì thế, tôi đã bỏ lỡ trận chung kết toàn bang với đồng đội mình. Đau đớn là một cách cơ thể đưa tín hiệu tới chúng ta rằng có điều gì đó không ổn.
(Ảnh minh họa)
Cảm giác khó chịu là một chuyện, nhưng nói với một đứa trẻ phải vượt qua nỗi đau thực sự là không tốt. Thay vào đó, hãy dạy cho con mình cách lắng nghe những tín hiệu từ cơ thể của chúng. Chúng đang cảm thấy khó chịu hay đau đớn thực sự? Hãy dạy cho chúng cách phân biệt giữa hai điều đó và nhờ tới sự giúp đỡ nếu chúng đang thực sự bị thương.
Sở thích chạy bộ của tôi đã bị hủy hoại suốt đời. Những vận động viên khác đã làm điều tương tự, gây ra quá nhiều chấn thương cho cơ thể mình để rồi họ có thể không bao giờ được tận hưởng thú vui của mình một lần nữa. Đừng giết tình yêu cho một sở thích hay môn thể thao nào đó của con bạn bằng việc làm cho chúng không còn có thể làm điều đó vì một chấn thương thể chất vĩnh viễn.
5. “Con có thể làm bất cứ điều gì mà con muốn.”
Điều này đã được thảo luận ở trên trong bài viết. Một cách tiếp cận tốt hơn chủ đề này trong tương lai của con cái không chỉ là khích lệ con bạn về hi vọng và ước mơ của chúng, mà còn là tiếng nói của thực tế (một cách nhạy cảm).
Là một phụ huynh, chúng ta cần giúp con cái mình sống với thực tế để chúng có thể thiết lập mục tiêu cuộc đời và những tham vọng có thể đạt được. Bạn không muốn chúng cảm thấy mình hoàn toàn giống như một sự thất bại trong cuộc sống khi biết mình sẽ không làm được những điều vượt trội mà không có mục tiêu hoặc triển vọng khác cho tương lai.Đừng ngăn cản những giấc mơ của con bạn, nhưng cũng phải giúp chúng nghĩ đến mục tiêu thực tế và có thể đạt được, ngay cả khi bạn phải trình bày ý tưởng với chúng như là một “kế hoạch dự phòng”. Ít nhất nó sẽ làm cho con bạn suy nghĩ về những thứ khác nhau, lựa chọn thực tế hơn, thay vì một mục tiêu cao ngất mà cơ hội có thể xảy ra là dưới 1%.
6. “Chỉ cần là chính mình và mọi thứ sẽ tốt thôi.”
Điều này có thể đặc biệt khó khăn với trẻ em về mặt xã hội. Bởi đôi khi hành vi hoặc hành động của chúng không được xã hội chấp nhận hoặc bạn bè ủng hộ. Nếu con gái của bạn có thói quen mắng mỏ, cáu giận với bạn bè mỗi khi chúng làm con bé thất vọng, bởi vì nó đang là chính mình, vậy thì đã đến lúc để thay đổi. Chỉ là chính mình không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất. Đôi khi nó gây ra những hậu quả quả tiêu cực. Con gái của bạn sẽ mất bạn bè vì suốt ngày cáu giận chúng.
Không phải tất cả xu hướng đặc điểm của chúng ta đều tốt cả. Đôi khi ta cần phải tìm hiểu để quản lý những tật xấu của chính mình. Có hại sẽ nhiều hơn có lợi với vòng kết nối cộng đồng của con gái bạn nếu nó cứ là mình và xa lánh mọi người. Hãy để con bạn biết là chính mình sẽ tốt trừ khi chúng đang làm một cái gì đó bất hợp pháp, trái với luân thường đạo lí, hoặc có hại cho người khác.
Là chính mình không phải lúc nào cũng được người khác chấp nhận và chính điều đó sẽ giúp ta đưa ra quyết định nếu bản thân cần phải thay hoặc tìm bạn bè mới. Lựa chọn thay đổi là tùy thuộc vào mỗi người, và điều này còn quan trọng hơn lời nói dối rằng nếu là chính mình thì mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi.
7. “Tập trung vào tương lai và con sẽ thành công.”
Tại sao không thể để trẻ em là trẻ em? Nó có thể có hại nhiều hơn có lợi khi bố mẹ đẩy con cái của họ hướng tới thành công bằng cách “tập trung vào tương lai”. Trẻ em ở các trường tiểu học không cần phải suy nghĩ rằng môn thể thao và các hoạt động ngoại khóa nào sẽ giúp chúng vào được một trường đại học tốt. Rất nhiều người lớn và thanh niên tự mình tìm đến với rượu và ma túy chỉ vì họ đã phải chịu áp lực về tương lai của mình từ khi còn nhỏ.
(Ảnh minh họa)
Việc chịu áp lực về tương lai từ thời thơ ấu có khả năng dẫn đến kiệt sức sớm hơn. Nó cũng có thể đẩy đứa trẻ đến với những thói quen xấu và sự lựa chọn để tự chữa trị và giải tỏa stress. Đừng đẩy con của bạn đến lựa chọn sai lầm hoặc kiệt sức bằng cách nhấn mạnh cho chúng hiểu về tương lai của mình. Hãy cho phép con bạn được là một đứa trẻ và được trải nghiệm hiện tại.
Trang Psychology Today thảo luận về nghiên cứu chỉ ra rằng những người hạnh phúc thường thành công hơn trong cuộc sống. Nghiên cứu cũng cho thấy những người hạnh phúc hơn được trang bị tốt hơn để xử lý căng thẳng trong cuộc sống. Hãy để con bạn được hạnh phúc bằng cách cho phép chúng sống và tận hưởng hiện tại. Đừng đặt thời thơ ấu của chúng ở phía trước nhanh chóng bằng cách khiến chúng phải tập trung vào tương lai. Trẻ sẽ thành công hơn nếu bạn cho phép chúng tận hưởng niềm vui của cuộc sống trong hiện tại, không phải trong tương lai.
8. “Tất cả những gì cần thiết để thành công trong cuộc sống là làm việc chăm chỉ.”
Lời khuyên này thực sự là một trò hề mà một số gia đình đón nhận nhiều thế hệ. Chỉ vì ai đó làm việc 16 giờ một ngày và làm tốt công việc của họ cũng không có nghĩa là họ sẽ thành công. Mọi người có thể sẽ phải làm một công việc không có sự thăng tiến. Làm việc thông minh sẽ cho bạn một cơ hội thành công lớn hơn so với làm việc chăm chỉ một mình.
Làm việc chăm chỉ là một đặc tính tốt, nhưng nó cần phải được kết hợp với làm việc thông minh. Giả sử một gia đình có hai đứa con. Họ lớn lên và một người tin rằng làm việc chăm chỉ là chìa khóa để thành công nên anh ta chỉ mãi làm một công việc, cố gắng và được thăng tiến, nhưng anh ta đã phải làm việc 16 giờ một ngày và mãi đến gần đây mới được thăng chức trong công ty vì không có bất kỳ kĩ năng đặc biệt nào. Người còn lại tin tưởng vào làm việc thông minh. Người này cố gắng tham gia các khóa học và trang bị cho mình những kĩ năng mới. Anh ta chọn một lĩnh vực nghề nghiệp có nhu cầu cao. Và sau đó anh ta tiếp tục leo lên cao hơn trong lĩnh vực sự nghiệp của mình. Người con thứ hai có nhiều cơ hội hơn vì anh ta không bị hạn chế vì không có kĩ năng. Anh ta biết được lĩnh vực nghề nghiệp nào đang có nhu cầu để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực đó. Cả hai đều đã làm việc chăm chỉ, nhưng người thứ hai làm việc thông minh hơn vì những người như vậy sẽ không muốn đi đến đường cùng trong sự nghiệp vì lý do không có một tấm bằng nào cả.
Đây chỉ là một ví dụ. Không phải tất cả sự nghiệp và công việc nào đều đòi hỏi kĩ năng đặc biệt hoặc một nền giáo dục đại học, nhưng bạn cần phải giúp con hiểu được những ý tưởng về thành công trong sự nghiệp mong muốn của chúng. Giúp chúng hiểu cần phải đưa ra những quyết định nào, để đạt được mục tiêu một cách khôn ngoan hơn, chứ không phải để bản thân làm việc đến kiệt sức.
Mỗi Lời Khuyên Của Cha Mẹ Đều Có Ảnh Hưởng
Nhiều bậc cha mẹ có thể nhìn thấy bản thân mình trong một số các lời khuyên quen thuộc trên. Hầu hết các bậc cha mẹ đều có ý tốt, vì họ muốn con mình lớn lên thành công và hạnh phúc.
Tuy nhiên, bây giờ bạn có thể thấy rằng một số lời khuyên mình đang đưa ra cho con cái cần phải thay đổi. Nhận thức được vấn đề là chìa khóa đầu tiên hướng tới sự thay đổi. Tiếp đó là phát triển một kế hoạch cho những gì bạn sẽ nói lần sau khi chủ đề xuất hiện.
Đặt ra kế hoạch trước cho những gì bạn sẽ nói, bạn sẽ được trang bị tốt hơn để đưa ra lời khuyên hữu ích, có lợi cho con bạn trong thời gian dài. Hãy viết ra những lời khuyên bạn mới tìm được để có thể suy ngẫm và ghi nhớ những ý tưởng hay hoặc lời khuyên bạn muốn dành cho con cái để giúp chúng.