Không ít người cha, người mẹ vì bất lực trong việc giáo dục con cái mà tuôn ra những lời nhục mạ, xúc phạm đến con cái. Họ tưởng như vậy là đang giáo dục con, song những lời độc địa, chua cay ấy có sức mạnh phá hoại ghê gớm, còn hơn cả đòn rơi.
Một em gái 15 tuổi đã viết thư tâm sự: "Em không hiểu sao mẹ em có thể ném vào mặt em những lời cay độc đến như vậy. Giá em có lỗi gì, mẹ em cứ đánh em, em còn đỡ thấy đau lòng hơn. Đằng này, những lời xỉ vả của mẹ em khiến em cảm thấy mình là đứa ngu đần, vô tích sự, chẳng làm được gì, chỉ làm khổ bố mẹ. Sau những lời chửi bới, em không thể tập trung vào học bài được nữa. Có lúc em nghĩ có khi mình chết đi, bố mẹ chắc mừng lắm. Có lúc em lại nghĩ, hay là mình không phải là con ruột của bố mẹ mình. Sau này em có con, em sẽ không đối xử với nó như bố mẹ em đối xử với em!". Không biết khi đọc những dòng tâm sự này, có ông bố, bà mẹ nào giật mình không?
Không ít người cha, người mẹ vì bất lực trong việc giáo dục con cái mà tuôn ra những lời nhục mạ, xúc phạm đến con cái
Bố mẹ em Trang đã phát hoảng, gọi điện khắp nơi tìm kiếm con khi thấy nó bỏ nhà đi hai ngày không tin tức. Khi được công an báo ra đồn đón con về, hai vợ chồng mới hiểu rằng lý do con bỏ đi chỉ vì thấy con hay trốn học, đi chơi điện tử mà ông bố đã mắng mỏ em rằng: "Mày cút khỏi cái nhà này. Nhà này không có hạng con như mày. Mày chỉ làm khổ bố mẹ thôi!".
Cũng chỉ vì không đỗ đại học, cô bé Thảo bị cha mẹ mắng nhiếc rằng: "Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, con người ta thì thi đâu đỗ đấy. Đằng này thì chỉ giỏi đua đòi, ăn diện. Không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa". Xấu hổ, đau khổ, quẫn chí, cô bé đã dại dột uống thuốc ngủ định tự tử, để lại lời nhắn: "Con chết đi để bố mẹ khỏi xấu hổ về con". May mà gia đình kịp phát hiện ra, nếu không, không biết đến bao giờ họ mới thôi ân hận về sự quá lời của mình.
Trẻ em rất nhạy cảm và dễ phản ứng với những lời nói xúc phạm của người lớn. Vì vậy khi nói chuyện, khi giáo dục, ngay cả khi phê bình con, cha mẹ nên nhớ mấy điều sau:
Không nhận xét kiểu "chụp mũ"
Không có đứa trẻ nào xấu hoàn toàn. Do đó khi con có lỗi gì, cha mẹ hãy nhận xét, nhắc nhở về khuyết điểm đó, không buông những lời nhận xét ám chỉ cả nhân cách của trẻ. Nếu hôm nào con được điểm kém, cha mẹ cũng chỉ nên nói: "Hôm nay con lại không cố gắng, lại để bị điểm à". Tuyệt đối không nói: "Sao mày ngu thế, dốt thế". Nhận xét như vậy là xúc phạm trẻ, là sổ toẹt mọi cố gắng từ trước đến nay của trẻ, sẽ gây phản ứng mạnh mẽ.
Cho trẻ cơ hội giải bày
Khi có lỗi, có khuyết điểm, không phải trẻ không đau buồn và ý thức về chuyện đó. Hãy cho trẻ cơ hội nói lên nỗi lòng nó. Thấy con điểm kếm, cha mẹ có thể hỏi: "Sao hôm nay lại thế? Mọi khi con cố gắng lắm cơ mà". Biết đâu khi ấy ta lại được nghe giải thích: "Con cũng cố gắng lắm rồi, nhưng hôm nay con mẹt quá" hoặc "Con cũng không hiểu sao hôm nay con lại lơ đãng thế. Con sẽ cố gắng hơn vào lần sau". Được như thế, nguy cơ bùng phát giận dữ của cha mẹ sẽ giảm bớt.
Phê phán bằng cách diễn tả cảm xúc
Không ai không có lúc tức giận. Không nên kìm nén sự tức giận của mình, bởi nó khó kìm nén lâu. Có nhiều cách thể hiện tức guận khác nhau, nhưng dù giận dữ thế nào cũng không được xúc phạm nhân cách hay tính tình của con. Thay vì bảo con là "ngu đần", "hư hỏng", "vô tích sự", cha mẹ hãy nói lên cảm xúc của mình.
Chẳng hạn "Con thi trượt, mẹ buồn quá" hay "Chơi điện tử thích lắm hả con? Nhưng dù sao bố cũng không vui khi con mải mê quá độ". Những câu nhận xét, thể hiện cảm xúc như vậy có tác dụng khơi gợi và dẫn dắt cái tốt hơn là những lời đao to búa lớn. Hãy luôn nhớ rằng giận dữ chỉ là sự tàn phá chứ không có tính chất xây dựng.
Đừng tiếc lời xin lỗi
Tại sao khi ta có lỗi với ai đó ở cơ quan hay ngoài xã hội, ta áy náy và tìm mọi cách nói lời xin lỗi. Vậy mà ta lại không dám xin lỗi con. Nó là người ta yêu thương, là người sống cùng ta hàng ngày, lẽ nào không quan trọng bằng người ngoài? Giá mà sau khi đã mắng mỏ con quá đáng, người bố biết nói: "Ban nãy bố giận quá, nên hơi quá lời, con đừng trách bố nhé".
Người mẹ cũng có thể bảo: "Chắc con ghét mẹ lắm vì mẹ mắng con phải không". Chỉ cần thế, trẻ em đủ độ vị tha để không bùng phát những thái độ phản ứng tiêu cực.