Kể cả những đứa trẻ được nuôi dạy tốt nhất cũng có thể có hành động không đúng đắn.
Không một bậc phụ huynh nào lại không vui khi có những đứa con ngoan ngoãn và biết nghe lời. Tuy nhiên, khi đứa trẻ chưa thực sự trưởng thành và thiếu kinh nghiệm cuộc sống, chúng cũng có thể đôi lúc phạm phải những sai lầm.
Đứng trước tình huống đó, có người đã vội vàng thất vọng và cho rằng con mình đã hư hỏng. Đây là suy nghĩ khá cực đoan.
Vậy người lớn chúng ta nên xử sự sao cho hợp lý?
Đã là con người thì không có ai hoàn hảo và luôn hành động đúng. Những đứa trẻ còn đang tuổi cần sự giáo dục của người lớn thì lại càng không thể tránh được những phút giây có hành vi sai lệch. Do vậy, việc một vài lần mắc lỗi là điều không có gì đáng thất vọng. Cái quan trọng là thái độ và phản ứng của người lớn thế nào để giúp chúng nhận biết cái sai và không phạm lại lần nữa.
Thế nên, những người làm cha, làm mẹ nên nhớ rằng:
- Kể cả những đứa trẻ được nuôi dạy tốt nhất cũng có thể có hành động không đúng đắn.
- Khi bọn trẻ cư xử sai, hình phạt của bố mẹ chỉ nên là cách giúp trẻ nhận thức được trách nhiệm của chúng trong những hành động sai trái.
- Những đứa trẻ có bố mẹ thường xuyên giải thích cặn kẽ để chúng hiểu về những việc không nên làm sẽ ít phạm lỗi hơn.
Tạo dựng lòng tự trọng
Nhận trách nhiệm trước mỗi hành động của mình là cách giúp trẻ phát huy khả năng tự chủ và tăng cường lòng tự trọng của chúng. Đứa trẻ nào càng thành công trong việc tự chủ với cuộc sống của chính mình sẽ có cảm nhận tốt hơn về bản thân.
Người lớn nên dạy cho bọn trẻ sự khác nhau giữa hành động tốt và xấu, đồng thời cho chúng biết khi nào thì cảm thấy có lỗi. Đó cũng là cách giúp lương tâm bọn trẻ phát triển. Và lương tâm chính là thứ giữ cho bọn trẻ ngoan ngoãn cho dù chúng có cơ hội làm những việc từ xấu đến rất tồi tệ.