Đứa trẻ nào cũng có vài lần nói dối người lớn. Điều quan trọng là cách cha mẹ xử lý thế nào nhằm giúp bé vượt qua thói xấu này.
"Con chẳng biết ai ăn chocolate cả. Chắc là con mèo Mun nhà mình đấy mẹ ạ, con thấy nó đứng cạnh tủ lạnh suốt", bé Hoàng Anh nhìn mẹ đầy vẻ ngơ ngác trong khi trên áo vẫn còn dính vệt chocolate. Biết ngay con trai nói dối, chị Ngọc Hân giơ tay tát con: "Lại nói dối nữa à. Mẹ đánh hoài mà con vẫn không bỏ tật xấu ư? Thế vết này là gì?".
"Con xin lỗi mẹ, lần sau con không như thế nữa!".
Trước sự van nài của con, chị thôi không đánh con nữa. Thế nhưng trong lòng chị canh cánh nỗi lo: "Bây giờ nó còn nhỏ, chỉ nói dối chuyện nhỏ. Sau này lớn, không biết nó nói dối mình đến chuyện gì?".
Bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân bé nói dối vì sợ, vì lo lắng hay vì thói quen để giải tỏa áp lực tâm lý cho bé (ảnh minh họa)
Cậu bé có cái mũi dài
Bé Hoàng Anh thường xuyên nói dối bố mẹ để tránh bị phạt khi làm điều sai trái. Ngoài ra, khi không thích ăn cơm, bé hay kêu đau bụng để được "tẩu thoát" khỏi giờ cơm. Thỉnh thoảng, bé lại kêu đau đầu, đau bụng... để bắt bố mẹ phải lo lắng cho mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc bé Hoàng Anh nói dối là để gây sự chú ý của người lớn. Khi bố mẹ quá bận rộn, không có nhiều thời gian dành cho con, trẻ nghĩ ra cách nói dối để phụ huynh phải chú ý, chăm sóc mình nhiều hơn.
Ngoài ra, bé còn nói dối khi cảm thấy sợ hãi hoặc bị gây áp lực từ phía người lớn. Bé cho rằng nói dối sẽ giúp mình an toàn và nhận được sự quan tâm của người khác.
Khi nói dối trở thành bệnh lý
Bất kỳ bố mẹ nào cũng đối diện với vài hoặc nhiều tình huống con nói dối. Tuy đây không phải là hành vi quá nghiêm trọng của con trẻ nhưng nếu bạn không chấn chỉnh, hành vi của bé có thể thành bệnh. Khi đã thành bệnh, bé cần phải được chữa trị.
Chị Nguyễn Minh Thúy, nhà ở đường Cô Bắc, Q. 1, TP. HCM, rất khổ tâm khi con trai mắc bệnh tâm lý. Bé Khang Duy, 7 tuổi, có khả năng dựng chuyện rất tài tình khiến người lớn không biết đâu là thật, đâu là giả.
Mỗi khi đi học về bé kể rất nhiều chuyện như: "Hôm nay con được cô giáo khen", "Hôm nay cô cử con làm lớp trưởng nhưng con không chịu"... Tuy nhiên, khi chị đến lớp nói chuyện với cô giáo mới vỡ lẽ không hề có chuyện đó. Ngoài ra, chị bắt gặp con nói dối để được lòng ông bà. Tuy thường xuyên bị nhắc nhở nhưng Duy vẫn chứng nào tật ấy.
Theo chuyên viên tâm lý Ngô Xuân Điệp, bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM, tình trạng nói dối của bé Duy được xếp vào nói dối bệnh lý. Trẻ thường thích kể cho người khác nghe những câu chuyện được phóng đại sự thật hoặc do bé tự dựng lên rất nhanh và logic.
Với những bé nói dối mang tính bệnh lý nếu chưa quá nặng, người lớn có thể giúp b é sửa đổi hoặc đưa trẻ đến các trung tâm điều trị tâm lý.
Hãy tìm hiểu lý do thay vì đe dọa trẻ
Tất cả trẻ em đều có lúc nói dối. Khi phát hiện con không nói thật, bố mẹ tuyệt đối không gọi trẻ là: "Đồ nói dối" và dọa nạt mà nên hỏi: "Con đã nói đúng sự thật chưa?".
Bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân bé nói dối vì sợ, vì lo lắng hay vì thói quen để giải tỏa áp lực tâm lý cho bé. Bạn hãy chỉ cho con thấy những lý do chúng đưa ra không hợp lý và giúp bé hướng đến việc nói thật. Khi trẻ nói thật, hãy khích lệ. Chỉ cho bé thấy mọi việc sẽ tốt hơn khi nói sự thật.
Điều quan trọng nhất để trẻ tránh xa nói dối chính là tấm gương của người lớn. Bố mẹ, người lớn trong gia đình tuyệt đối không nói dối trước mặt con vì trẻ có thể sẽ học theo thói xấu này