Với những bé 'cả thèm, chóng chán', các món đồ chơi có thể chỉ được 'sờ' đến vài lần rồi sẽ bị bỏ xó. Bé sẽ tiếp tục ‘vòi' đồ chơi mới.
Các chiêu ‘uy hiếp' cha mẹ sẽ gồm: lăn, lê, bò, trườn, khóc lóc, mè nheo... cho đến khi cha mẹ phải ‘xuống nước' mới thôi. Và tất nhiên, nếu đã được một lần, ắt bé sẽ tái diễn.
Nguyên nhân hình thành thói quen vòi vĩnh
- Bé thường đua theo bạn bè, hàng xóm; món đồ gì bạn bè có, bé cũng muốn có cho bằng được.
- Truyền hình cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với bé trong việc định hình sở thích.
- Luôn được đáp ứng (gia đình quá nuông chiều) cũng giúp bé hình thành thói quen xấu này.
Sự can thiệp kịp thời từ gia đình
Trách nhiệm của cha mẹ là quyết định để bé chơi thứ gì và chơi như thế nào. Khi bé đã có thói quen "muốn gì được nấy" rồi thì việc sửa sai là không dễ. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách định hướng của cha mẹ đối với bé.
Không nổi cáu: Bạn nóng giận chứng tỏ bạn không làm chủ được cảm xúc của mình. Nếu chưa làm chủ được cảm xúc của mình thì làm sao bạn có thể định hướng tốt nhất cho con trong việc chọn lựa đồ chơi, cũng như dạy cho con bài học về yêu thương và lòng kiên nhẫn!
Giữ vững lập trường của mình: Khi bé đòi hỏi, xác định rõ cái gì có thể đáp ứng và cái gì không. Đừng vì con "thích quá' mà bạn buộc phải chiều theo.
Tặng quà có lý do rõ ràng: Giá trị của món quà đôi khi không nằm ở việc nó đắt hay rẻ mà quan trọng hơn là cách bạn tặng quà cho bé. Hãy biến mỗi lần nhận quà là một dịp khám phá và giúp bé cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị món quà chúng nhận được. Không đặt điều kiện khi tặng quà bé.
Cách bé nhận quà có ý nghĩa: Hôm nay là sinh nhật con, đừng đưa ngay món quà ra cho bé mà hãy cùng con chơi một trò chơi "tìm kho báu" chẳng hạn (bé sẽ chẳng ngần ngại thu dọn phòng riêng; sắp xếp ngay ngắn góc học tập theo yêu cầu của bạn và suy nghĩ thật kỹ để trả lời những câu hỏi vui vui để tìm được đường tới món quà).
Giúp bé hiểu ý nghĩa của những món quà: Hãy dành thời gian thủ thỉ cùng con về ý nghĩa các món quà để bé hiểu và trân trọng chúng: "Con hãy kể cho bạn Mực Ống nghe một câu chuyện trước khi ngủ nhé, chắc chắn Mực sẽ ngoan hơn và ngủ ngon hơn đấy!" hoặc "Chú lính chì bé nhỏ nhưng rất dũng cảm, con nên học tập chú ấy nhé, chắc chắn con sẽ làm được!". Khi đó, bé sẽ biết nâng niu món quà của mình, coi chúng như những người bạn và vì thế không thể vứt bỏ tùy ý.
Giúp bé lên kế hoạch chi tiêu: Cha mẹ nên khuyến khích con cách "lên kế hoạch chi tiêu" để có được món quà bé thích; ví dụ như để dành tiền mỗi ngày. Bé sẽ thấy trách nhiệm của mình trong đó nên bé sẽ ý thức việc phải bảo quản, giữ gìn đồ chơi của mình tốt hơn. Dần dần, từ "vòi vĩnh" trong đầu chúng sẽ biến mất.