Cơn giận có thể cho chúng ta thêm năng lượng để giải quyết các vấn đề thoả mãn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt giữa việc thoả mãn các nhu cầu của mình với việc tôn trọng người khác. Bạn có trách nhiệm dạy cho trẻ hiểu rằng tức giận là một cảm xúc chấp nhận được nhưng không có nghĩa là được quyền làm đau hoặc làm tổn thương người khác. Dưới đây là một số gợi ý của Pat Huggins, làm việc tại Graduate School of Counselling thuộc Đại học Washington giúp trẻ kiểm soát cơn giận.
Lui vào nơi an toàn. Khi con bạn giận, bạn có thể hướng dẫn trẻ lui vào nơi an toàn giống như chú rùa chui vào mai mỗi khi hoảng sợ hay tức giận. (Tốt nhất là bạn nên luyện tập cho trẻ hiểu điều này khi trẻ vui vẻ.) Bạn có thể gợi ra một tình huống mà trẻ nổi giận. Để trẻ nhớ lại cảm xúc lúc đó như thế nào. Bạn giải thích với trẻ rằng, thay vì đánh hoặc làm tổn thương người khác, trẻ có thể tưởng tượng mình là một chú rùa. Khi rùa sợ hãi hoặc giận, nó thường chui vào trong vỏ để cảm thấy an toàn hơn. Mai rùa sẽ giúp rùa bình tĩnh trở lại bởi vì mai rùa đã bảo vệ chú rùa. Nếu trẻ cũng có nơi an toàn hay "mai rùa", mai rùa sẽ bảo vệ trẻ khỏi những vấn đề rắc rối khác như đánh bạn. Cách này hiệu quả đối với trẻ học tiểu học bởi lúc đó khả năng chơi giả vờ của trẻ đã thành thạo hơn.
Tự nhủ. Đây là bước tiếp theo của cách "Rụt vào mai rùa" hoặc có thể dùng như là một cách độc lập. Khi con bạn nổi giận, trẻ có thể tự nói một mình. Bạn có thể hướng dẫn trẻ nói to "Thở sâu và thư giãn". Sau đó, trẻ sẽ nói nhỏ hơn. Bạn có thể giúp trẻ luyện tập bằng các câu khác như "Bình tĩnh" hoặc "Mình có thể giải quyết được vấn đề này". Đôi khi, tự nhủ rằng mình sẽ bình tĩnh sẽ khiến trẻ trở nên bình tĩnh hơn.
Đút tay vào túi. Giải thích cho trẻ hiểu rằng trẻ có thể được quyền giận dữ nhưng không được đánh, làm tổn thương hoặc phá phách đồ đạc. Khi trẻ giận, trẻ có thể đút tay vào túi. Bằng cách này, trẻ sẽ không còn rảnh tay để đánh bạn nữa. Trong lúc tay trẻ đang bận đút tay vào túi, trẻ có thể diễn đạt cảm xúc của trẻ như thế nào là lý do ra sao. Điều này sẽ khuyến khích trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp hiệu quả.
Nói rõ ràng. Khi bạn giận, bạn rất khó có thể lịch sự. Bạn có thể cùng trẻ thực hành các cách nói không làm tổn thương người khác khi bạn giận như "Tôi không thích vậy", "Điều đó làm tôi giận", "Hãy để tôi lại một mình",... Bạn thấy rằng trong tất cả các ví dụ trên đều tránh bắt đầu bằng từ "Bạn", "Mẹ", "Bố",... Bởi nếu bắt đầu bằng những từ đó, người nghe sẽ phòng ngự và họ sẽ càng khó chịu với bạn hơn.Viết. Nếu trẻ biết viết, bạn có thể mua cho trẻ một cuốn nhật ký để ghi lại các cảm xúc của mình, hoặc chí ít trẻ cũng có thể viết tên của đối tượng gây ra cơn tức giận. Sau đó, trẻ có thể diễn đạt chính xác những gì khiến trẻ giận và lý do tại sao. Nếu trẻ chưa biết viết, trẻ có thể kể lại để bạn ghi chép. Khi trẻ hết giận, trẻ có thể bỏ phần ghi chép đó.
Cuối cùng, bạn nên quan sát chính cách bạn bộc lộ khi bạn giận. Trẻ sẽ quan sát bạn quát mắng người khác, đập đồ đạc hoặc đánh người khác khi giận, và trẻ sẽ học cách bộc lộ cơn giận của trẻ giống như bạn. Bằng cách điều chỉnh bản thân, bạn sẽ giúp trẻ biết kiểm soát cơn giận tốt hơn.