Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ) khuyên rằng:
- Cha mẹ hãy lắng nghe con mình nói. Nếu trẻ chuyện với mình, bạn sẵn lòng bỏ hết mọi việc để lắng nghe thì trẻ sẽ có thói quen bộc bạch dễ dàng hơn. Lúc đó, cho dù có mệt mỏi đến mấy thì bạn cũng nên nói chuyện với con.
- Không nên kết luận hay đánh giá vội vàng. Một đứa trẻ sẽ bỗng nhiên có phản xạ tự vệ nếu cảm thấy cha mẹ đánh giá hay kết luận về mình và khi đó mọi việc sẽ có chiều hướng tiêu cực.
- Không nên tìm cách ngắt lời khi con bạn đang hào hứng. Bạn cần phải để trẻ nói đủ, cho dù ngay chính lúc đó bạn không muốn nghe vì tâm trí đang tập trung vào việc khác.
- Nếu muốn hỏi con, hãy bắt đầu câu hỏi bằng các từ như "bằng cách nào" hoặc "hãy nói với cha (mẹ)". Hỏi kiểu này sẽ khiến trẻ nói chính xác hơn và cha mẹ cũng hiểu câu chuyện của con hơn.
Cả gia đình nên thường xuyên ăn bữa tối cùng nhau.
- Không nên tỏ ra bị xúc động thái quá, hãy luôn cố gắng trầm tĩnh. Nếu bạn cần phải nói chuyện gì có vẻ nghiêm trọng với con, nên suy nghĩ đến điều đó trước khi nói, vì trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi thái độ của cha mẹ.
- Nếu con bạn kể một chuyện gì khiến bạn "choáng", bạn cũng không nên biểu lộ cảm xúc ra mặt, bởi vì nếu thấy cha (mẹ) như vậy, trẻ có thể sẽ không nói tiếp nữa.
- Nên khuyến khích con làm việc gì đó cùng cha mẹ, chẳng hạn như làm việc vặt hay tập thể dục... Bạn nên cùng con đến các bảo tàng, công viên hay các trung tâm văn hóa. Trong những môi trường như vậy con cái sẽ nói chuyện với cha mẹ nhiều hơn.
- Thỉnh thoảng nên cùng con đi ăn ở một tiệm ăn mới và nên để con gọi món, điều này sẽ khiến trẻ vui vẻ và nói nhiều hơn. Lúc đó, bạn có thể nói chuyện về bất cứ đề tài nào với trẻ.
- Cả gia đình nên thường xuyên ăn bữa tối cùng nhau. Các kết quả khảo sát cho thấy những đứa trẻ nào hay ăn tối cùng với gia đình từ hai lần đến năm lần mỗi tuần thì sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các tệ nạn xã hội hơn so với những trẻ hay ăn tối một mình. Chúng cũng thường học giỏi hơn và ít có vấn đề về tâm lý hơn.