Thiếu thông tin kiến thức về giới; sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục hạn chế, dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản ít; không được trang bị kỹ năng sống; cha mẹ không có đầy đủ kiến thức, ngại hoặc không biết cách nói chuyện cởi mở với con; chương trình học tại trường còn hạn chế, cộng đồng chưa ủng hộ việc giáo dục tình dục cho trẻ vị thành niên… là những nguyên nhân dẫn tới việc trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn, nhiễm khuẩn đường sinh sản và HIV/AIDS, bị xâm hại tình dục; tình trạng bạo lực học đường ngày càng đáng báo động, sử dụng rượu bia, ma tuý có nguy cơ tăng cao…
Trước thực trạng đó, dự án Tạo sự gắn kết đã ra đời năm 2007 nhằm nâng cao nhận thức và vận động tạo sự gắn kết cha mẹ và con vị thành niên thông qua trò chuyện cởi mở về giới, sức khoẻ sinh sản và tình dục. Đến nay, đã có 30 CLB được thành lập tại sáu tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Thái Nguyên, Thái Bình, Hoà Bình và Nam Định với sự tham gia của hơn 600 bà mẹ và trẻ vị thành niên. Bên cạnh đó, do có nhiều thành viên muốn tham gia nên các tỉnh đã tự thành lập thêm 12 CLB ngoài các CLB do dự án thành lập.
Với lịch sinh hoạt định kỳ một lần/tháng, với thiết kế chặt chẽ, hợp lý của giáo trình mà dự án cung cấp cho các giảng viên, các CLB đã cung cấp tới hội viên những kiến thức cơ bản: thế nào là một người phụ nữ, những biến đổi về cơ thể, tâm sinh lý của em trai, em gái tuổi dậy thì, hoạt động tình dục, các biện pháp tránh thai, vấn đề nạo phá thai, sức khoẻ tình dục, vấn đề giới và bạo lực, tác hại của bia rượu, kỹ năng giao tiếp, trò chuyện giữa mẹ và con gái.
Với hình thức sinh hoạt linh hoạt, thực sự hấp dẫn hội viên thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm, đóng vai, tư vấn, chia sẻ đã kích thích tính chủ động, sự tham gia, sáng tạo và cởi mở giữa các hội viên. Nguyễn Thuỳ Linh, thành viên CLB Em gái phường Khương Đình, Thanh Xuân nói: Trước khi tham gia CLB, bản thân cháu và các thành viên đều mơ hồ về nhiều điều lắm. Người lớn không nói cho chúng cháu biết, một phần vì bố mẹ cho rằng lớn lên khắc sẽ biết. Tuy vậy, trong đầu cháu luôn có những câu hỏi trẻ em sinh ra từ đâu? Vì sao phải uống thuốc tránh thai và sử dụng bao cao su như thế nào? Chỉ qua hai kỳ sinh hoạt tại CLB, cháu đã rất tự tin và có đủ kiến thức để tự chăm sóc bản thân và phòng tránh những rủi ro. Hơn thế nữa, cháu rất tự tin khi trao đổi và truyền đạt kinh nghiệm với các bạn cùng trang lứa. Cháu cũng rất hào hứng khi tham gia các vở kịch xử lý tình huống, ví dụ khi có thai với bạn trai thì phải làm gì?…”.
Vũ Quý Phong, thành viên CLB em trai phường Kim Giang (Thanh Xuân) chia sẻ: Buổi sinh hoạt nào cũng rất quan trọng vì chúng cháu được trang bị kiến thức, được chia sẻ những điều từ lâu không dám nói với bố mẹ. Bây giờ, cháu đã đủ tự tin về những kiến thức về sức khoẻ sinh sản trước khi bước vào độ tuổi trưởng thành, tự tin hơn khi trao đổi với bố mẹ về kiến thức mình đã học. Cháu mong Hội LHPN Việt Nam, Thành đoàn, quận đoàn quan tâm hơn nữa đối với lứa tuổi vị thành niên. Cháu cũng mong dự án tiếp tục duy trì và mở rộng tới các địa phương vùng xây, vùng xa để các bạn có cơ hội tiếp cận với các kiến thức bổ ích nhằm nâng cao nhận thức về sức khoẻ tình dục, cách phòng tránh các bệnh lây qua đường sinh sản…
Nghĩa Hồng là xã thuần nông nằm ở ven biển huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định, tỷ lệ đồng bào công giáo cao, trình độ dân trí hạn chế, trẻ vị thành niên rất thiếu thông tin và kỹ năng sống nên tình trạng dối cha mẹ, lừa thầy cô giáo bỏ học đi chơi điện tử trở nên phổ biến. Nhiều em nảy sinh tình cảm với bạn khác giới, cá biệt có trường hợp mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh xã hội…
Ông Nguyễn Thế Hà, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nghĩa Hồng cho biết: Sau khi được chọn thực hiện dự án Tạo sự gắn kết, cấp uỷ Đảng, chính uyền, các ngành đoàn thể của địa phương đã quan tâm chỉ đạo việc triển khai dự án và cho phép thành lập thêm hai CLB “Các bà mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên” và CLB “ Nữ vị thành niên” với hơn 40 thành viên. Tuy số lượng thành viên còn hạn chế nhưng dự án này có sức lan toả rộng rãi bởi những thành viên trong CLB là những hạt nhân tuyên truyền cho những người chung quanh và bạn bè cùng trang lứa.
Sau khi được tham gia CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên” xã Nghĩa Hồng, chị Trần Thị Duyên chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình công giáo lại là phụ nữ nông thôn, bản thân tôi và chị em phụ nữ ở đây rất hạn chế về kiến thức sức khoẻ sinh sản vị thành niên nên không có đủ kinh nghiệm cũng như sự tự tin để trò chuyện với con cái một cách cởi mở và hiệu quả. Là người lớn vậy mà trong những buổi sinh hoạt đầu tiên, chúng tôi vẫn còn mang tâm lý e ngại, sau được sự khích lệ của các thành viên trong đội thực hiện dự án, chúng tôi đã phá bỏ mặc cảm, tự tin trao đổi kinh nghiệm bản thân, rút ra những bài học để chủ động trò chuyện với con cái trong gia đình. Qua thời gian tham gia CLB, tôi mong dự án xây dựng một chương trình sinh hoạt phù hợp, sát thực với từng lứa tuổi vùng nông thôn, đặc biệt là những vùng có tỷ lệ công giáo cao như vùng quê của chúng tôi”.
Tại cuộc hội thảo Tổng kết dự án ngày 20-3, bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá qua ba năm thực hiện, dự án không chỉ đơn thuần là tuyên truyền mà còn giúp các bậc phụ huynh, đặc biệt là người mẹ có đủ kiến thức, kỹ năng cũng như đủ sự tự tin để có thể trò chuyện được với con, nhất là những điều thầm kín.
Bà Bình cũng hi vọng qua hội thảo, ban quản lý dự án các tỉnh thấy rõ hơn tầm quan trọng và sự cần thiết của mô hình trong thúc đẩy, tăng cường sự gắn kết gia đình giữa cha mẹ và con vị thành niên. Hội LHPN Việt Nam cam kết tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình CLB Mẹ và CLB em gái, tập trung phát triển mô hình CLB em trai, đặc biệt mở rộng mô hình ra các tỉnh miền núi và thí điểm xây dựng mô hình CLB các ông bố.
Nhân dịp này Hội LHPN Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, các đơn vị có liên quan cùng chung tay, góp sức để mô hình được nhân rộng ra nhiều vùng miền trên toàn quốc.