Không ít bậc cha mẹ ca thán là con của họ "bướng bỉnh", "nói mãi không nghe" hay khi yêu cầu trẻ làm điều gì đó cứ phải nói đi nói lại nhiều lần.
Điệp khúc nhà chị Lý (Q.10, TP.HCM) mỗi buổi tối như sau: "Toàn, gần 10g đêm rồi, tắt máy vi tính đi ngủ đi con!". Cu Toàn miệng "Dạ" nhưng tảng lờ mẹ. Lát sau: "Tắt vi tính đi". "5 phút nữa thôi mà mẹ". 5 phút trôi qua, chị Lý quay lại bàn vi tính, cu Toàn vẫn ngồi say sưa chơi game. "Toàn, mẹ nói con tắt máy vi tính, đi ngủ, nghe rõ chưa?". "Con đang tắt". "Xuống bếp đánh răng, Toàn", "Chờ con tí xíu, con uống sữa đã...". Cứ như thế, sau vô số lần lần lặp đi lặp lại các yêu cầu mà chị Lý vẫn chưa cho cu Toàn đi ngủ được khiến chị bực bội quát tháo ầm ĩ vọng sang cả nhà hàng xóm vào giữa đêm.
Chị Hằng (Q.2, TP.HCM) thì luôn gặp khó khăn khi yêu cầu cô con gái 6 tuổi đi tắm. Nghe đến tắm là thế nào bé Suri cũng viện ra nhiều lý do "hợp lý" để trì hoãn việc đi tắm, lúc thì "con đang viết bài dở", lúc thì "con đói quá, mẹ cho con ăn cơm trước đi", lúc lại "con mệt quá, cho con nghỉ ngơi tí xíu đã mẹ".
Rất nhiều bậc phụ huynh như chị Lý, chị Hằng gặp phải tình huống "nói mãi con không nghe" như trên. Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp trẻ biết lắng nghe và vâng lời hơn.
Bình tĩnh và không la mắng
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ đáp ứng kém là do cách cha mẹ đưa ra yêu cầu của mình. Hầu hết cha mẹ thường đưa ra yêu cầu với con trẻ nhẹ nhàng vào lần đầu tiên, nếu trẻ không đáp ứng thì sẽ lặp lại yêu cầu với trẻ bằng cách gia tăng âm lượng, nói to hơn, bực bội hơn, quát mắng trẻ kèm theo những lời đe dọa trừng phạt. Thực ra, cách đưa ra yêu cầu của cha mẹ càng tích cực, nhẹ nhàng càng khiến trẻ dễ dàng vâng lời cha mẹ hơn là cáu gắt, quát mắng trẻ. Về lâu dài việc la mắng trẻ khi chúng không vâng lời có thể khiến cho trẻ trở nên bướng bỉnh, bắt chước cha mẹ nổi giận, la hét khi yêu cầu của chúng không được người khác đáp ứng.
Đối với trường hợp của chị Lý kể trên, thay vì chạy theo con và la mắng, chị Lý chỉ cần nhẹ nhàng mà nghiêm khắc như sau: " Đến giờ đi ngủ rồi. 5 phút nữa tắt máy tính, nếu không con sẽ bị phạt..." và chờ ở đó 5 phút cho đến khi bé Toàn đáp ứng yêu cầu của mẹ. Nếu bé Toàn thực hiện đúng, chị nên ngợi khen bé để khuyến khích. Nếu bé không đáp ứng, thực hiện phạt bé như đã cảnh báo từ trước.
Lưu ý là hình phạt cha mẹ đưa ra cần cụ thể, có thể thực hiện được và thực hiện ngay khi trẻ không vâng lời hoặc trong thời gian sớm nhất để gia tăng hiệu quả phạt.
Đối với trẻ lớn hơn, việc cha mẹ giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng khi đưa ra yêu cầu với trẻ là đặc biệt cần thiết. Sự bình tĩnh cho phép cha mẹ giải thích, yêu cầu một cách thuyết phục hơn.
Mâu thuẫn giữa sở thích và yêu cầu
Nguyên nhân khác khiến trẻ không vâng lời cha mẹ còn đến từ việc yêu cầu của cha mẹ không hấp dẫn như việc trẻ đang làm. Ví dụ như: "Thư, tắt ti vi, xuống nhặt rau phụ mẹ". Rõ ràng đối với bé Thư và nhiều trẻ khác việc xem ti vi thú vị gấp nhiều lần so với yêu cầu "nhặt rau" của mẹ. Vì vậy việc trẻ ngồi im không nhúc nhích hay tảng lờ không nghe thấy yêu cầu của cha mẹ là dễ hiểu. Gặp tình huống trên, cha mẹ cần cho trẻ có một thời gian trì hoãn nhất định trước khi thực hiện yêu cầu của cha mẹ. Để tránh việc trẻ giả vờ không nghe thấy cha mẹ nói, cha mẹ nên nói trực tiếp với trẻ, không nói vọng từ khoảng cách xa, sau đó vẫn áp dụng cách thức điềm tĩnh lặp lại yêu cầu với trẻ cùng cảnh báo và thực thi cảnh báo nếu trẻ không vâng lời.
Không làm thay cho trẻ
Một điều quan trọng nữa mà các bậc phụ huynh cần chú ý khi yêu cầu trẻ làm gì đó nếu trẻ trì hoãn không thực hiện thì tuyệt đối không nên làm thay cho trẻ. Ví dụ: "Con dọn đồ chơi đi để mẹ quét nhà". Nói mãi bé Vũ vẫn ngồi trơ ra, không chờ được, chị Hà dọn đồ chơi thay cho con. Điều này sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng cha mẹ hay ai đó sẽ làm thay việc cho mình nếu trẻ trì hoãn đủ lâu và trẻ sẽ tiếp tục sử dụng nhiều cách trì hoãn khác nhau nhằm trốn tránh thực hiện những yêu cầu của cha mẹ mà trẻ không thích.