1. Dạy bé có trách nhiệm
Dạy cho một người biết giữ gìn đồ đạc cá nhân cũng là điều không dễ, vì vậy, ngay từ khi các bé còn nhỏ, bạn nên hướng dẫn chỉ cho trẻ có trách nhiệm trong việc gìn giữ và bảo vệ đồ đạc của mình và của người khác.
Khi trẻ đến độ nhận biết được, bạn dạy trẻ có trách nhiệm chăm sóc đồ đạc riêng của mình, ví dụ như đồ chơi, quần áo, các vật dụng trong phòng tắm, đồ chơi thể thao, sách truyện... Bạn phải chỉ cho trẻ thấy bố mẹ không có trách nhiệm dọn dẹp lau chùi phòng của trẻ hay dọn dẹp những đồ chơi do trẻ bày bừa ra.
Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, để trẻ làm được điều trên, bạn phải làm gương cho trẻ. Từ việc nhìn hành động của bố mẹ và người lớn, trẻ sẽ tự bắt chước và làm theo. Đồ đạc nên được đặt đúng nơi quy định.
2. Sắp xếp đồ đạc theo màu sắc
Trong những gia đình có nhiều hơn một bé, các bé thường chơi cùng nhau nhưng không phải bé nào cũng biết cách gìn giữ đồ đạc. Một mẹo cho trường hợp này là bạn chỉ định chia đồ đạc cho các bé theo màu. Ví dụ đồ của bé này màu đỏ thì bé kia sẽ là màu xanh.
Những đồ sau đây có thể áp dụng để phân chia theo màu: Quần áo, tất, đồ chơi, đồ tắm, cốc uống nước, đồ chơi thể thao...
Với cách phân chia đồ theo màu thế này, bạn có thể quản trẻ dễ dàng hơn. Ví dụ nhìn màu của đồ chơi, bạn có thể biết là của bé nào và có hình thức "xử lý" bé đó nếu đồ chơi để lung tung. Việc phân xử tranh cãi sẽ nhanh chóng hơn vì các bé không thể đổ lỗi bày đồ đạc linh tinh cho nhau được nữa. Và cũng chính từ việc biết sẽ bị phát hiện và xử lý nhanh chóng nên các bé sẽ dần có ý thức hơn về việc quản lý đồ của mình.
3. Tạo không gian riêng cho trẻ
Tạo cho trẻ một không gian riêng và ở đó, trẻ có thể tự sắp xếp đồ đạc theo ý mình. Tuy nhiên, bạn phải "giao giá" với trẻ để chúng tự giữ vệ sinh phòng của mình. Thông thường, khi có không gian riêng của mình, trẻ sẽ tự sắp xếp theo ý chúng cũng như chăm sóc "vương quốc" của mình một cách cẩn thận hơn.
Nhưng dù cho trẻ không gian riêng thì bạn vẫn cần giám sát chúng, nhắc nhở nếu việc sắp xếp của chúng không hợp lý hoặc quá bừa bộn. Việc nhắc nhở nhẹ nhàng cùng với sự giám sát của bạn sẽ giúp trẻ dễ dàng tuân thủ và gọn gàng ngăn nắp hơn.
4. Tổng kết hàng tuần
Hàng tuần bạn dành khoảng 5 - 10 phút để cùng các bé trò chuyện về sự gọn gàng. Bạn nên có những phần thường nho nhỏ hay những lời động viên khuyến khích nếu trẻ giữ sạch sẽ gọn gàng đồ đạc. Bên cạnh đó, hãy nghiêm khắc lên tiếng nếu con bạn thường xuyên bày đồ đạc lung tung, đồ chơi chơi xong không xếp lại theo đúng nơi quy định, quần áo mặc xong bỏ mỗi nơi mỗi chỗ...