Thay vì dặn con đừng giao tiếp với bất cứ người lạ nào, hãy dạy con tự vệ bằng cách nhận biết đâu là dấu hiệu của những “người lạ nguy hiểm” mà con phải tránh xa. Không phải người lớn nào tiếp cận trẻ con cũng vì mục đích xấu, thỉnh thoảng thấy một đứa trẻ đáng yêu, chúng ta cũng muốn lại gần bắt chuyện cho vui thôi.
Dấu hiệu người lạ nguy hiểm quan trọng nhất mà trẻ phải nhớ chính là sự dụ dỗ: mời trẻ ăn món gì đó hay ngửi một món đồ lạ; nhờ trẻ giúp mình làm việc này việc kia; dụ trẻ đi theo mình, vào nhà, ra khỏi nhà, lên xe hay cùng di chuyển tới một địa điểm khác… Tất cả đều là những lời dụ dỗ mờ ám, những cảnh báo nguy hiểm rõ ràng mà cha mẹ phải thường xuyên nhắc con nhớ để tự vệ.
Ảnh: Unsplash
Thông thường, người lớn sẽ tìm đến những người lớn khác chứ không tìm đến một đứa trẻ để nhờ giúp đỡ. Vì vậy, những lời đề nghị như “Bác cần cháu khiêng giúp cái này ra xe” hay “Cô bị lạc mất con chó, cháu đi tìm với cô nhé” từ người lạ có khả năng ẩn chứa mục đích xấu rất cao.
Thay vì cứ mặc định những người lạ trông hơi dị hợm một chút là “ông kẹ”, trẻ em nên cảnh giác trước những ai cố gắng thuyết phục chúng làm theo, làm giúp điều gì đó, hoặc dụ dỗ chúng phá vỡ nguyên tắc an toàn của gia đình mà cha mẹ dặn. Nguyên tắc “lời dụ dỗ nguy hiểm” áp dụng cho cả người lạ lẫn người quen của gia đình.