"Sóc, tắt tivi rồi ngồi học bài ngay" - 5 phút qua đi, chiếc tivi vẫn bật và cô con gái 7 tuổi của chị vẫn không rời mắt khỏi màn hình.
Chị lại hét lên, mỗi lúc âm vực một cao hơn: Sóc, mẹ nói con nghe lời không? Vẫn không có tiếng đáp lại. Không thể chịu đựng được nữa, chị vớ lấy chiếc đũa cả, lao vào phòng: Mẹ đánh này. Con cái gì mà bướng thế hả...
Con tôi - vắt mũi chưa sạch đã... bướng
Con bướng - không còn là nỗi phiền muộn của riêng chị Lê nữa. Đem sự lo lắng ra kể với mấy đồng nghiệp ở cơ quan, không ngờ mẹ nào cũng "cùng chung tâm trạng". Chị kế toán phụ họa: Con nhà này năm ngoái hãy còn bảo gì nghe nấy. Thế mà mới năm nay thôi đã thấy khác rồi. Nó bướng như hùm luôn. Gọi rát cổ bỏng họng. Chị nhân viên hành chính thì kể lể: Thằng nhà em gọi không thưa, hỏi không dạ. Mình bảo ăn cơm thì nó đòi ăn bún. Bảo nó ăn bún nó lại đòi ăn phở... Tóm lại, cứ mình bảo cái gì thì nó phải chống đối cho bằng được.
Con bướng là nỗi phiền muộn của không ít bậc cha mẹ
Con gái chị Thuỷ - khi mới ra đời - ai nhìn qua cũng tiên đoán trước là sau này sẽ bướng lắm. Bởi, cháu có cái trán cao, dô ra phía trước, nhìn nuốt cả khuôn mặt. Bà nội cháu còn dặn hai vợ chồng chị, chiều con ít thôi, sau này nó được thể, sẵn tính bướng bỉnh "bẩm sinh" phát tác thì khổ. Nhưng, vợ chồng chị Thuỷ hiếm muộn, cưới nhau 3 năm mới sinh được cô công chúa, nên nói thế nào, anh chị cũng có phần chiều chuộng con hơn.
Khi còn bé đến khi cháu 3 tuổi, vợ chồng chị thấy con gái cũng không đến nỗi nào, chỉ hơi lém lỉnh và già dặn hơn các bạn cùng lứa. Nhưng, càng về sau, thì cháu càng tỏ rõ cá tính không thích nghe lời ai. Sáng ra, nguyên chuyện mặc gì hôm nay cũng khiến hai mẹ con xung đột. Chị biết hôm nay trời nóng, chọn cho con gái chiếc váy hoa lanh. Nhưng, nó nhất quyết kêu xấu, đòi mặc áo dài cao cổ. Chị không bằng lòng. Thế là hai mẹ con dằng nhau quần áo.
Con bé vừa khóc, bỏ lên phòng không chịu đi học. Cho đến khi bố cháu phải nhượng bộ, đồng ý cho con mặc áo nó thích mới thôi. Nhìn thấy mẹ, con bé còn tuyên bố một câu xanh rờn như thách thức. Nóng con chịu được nhưng con không thích làm theo ý mẹ. Chẳng biết làm gì hơn, chị Thuỷ chỉ biết ngửa cổ kêu trời: Đúng là bướng vì... trán.
Khi còn tròn 10 tuổi, anh chị Ngọc - Hạnh phố Lý Thái Tổ bắt đầu cho con học năng khiếu ở Cung thiếu nhi. Chị Ngọc luôn ước ao được ngắm con múa ba lê, hay ít ra là học lớp biểu diễn thời trang cho nữ tính. Nhưng, con chị lại nhất quyết không chịu. Nó nằng nặc đòi học lớp võ thuật, dù rằng cả lớp chỉ có mỗi một hai cháu là con gái.
Mới nghe qua, chị đã thấy không hợp lý. Con chị học võ đâu có thích hợp, nó yểu điệu, lại không ưa các động tác mạnh như đấm, đá. Thế mà, nói mãi con không nghe, cuối cùng chị phải đăng ký cho con học. Quả như chị nói, con gái học được vài buổi đã chán, đòi bỏ. Chị trách cứ thì cháu buông một câu xanh rờn: Lúc đó con thích, giờ con ghét rồi, thế thôi.
Nhìn con gái, chị Thủy nhớ lại thời của mình ngày xưa, ngoan và hiền lành lắm. Bố mẹ bảo sao nghe vậy, nào có dám cãi lời bao giờ. Bây giờ con gái chị khác hẳn. Con đến tuổi dậy thì, chị lo lắng tìm cách tiếp cận con, đề phòng con yêu sớm. Nhưng, chị càng gần thì cháu càng né mẹ. Cháu đi thì chớ, về là lên thẳng phòng, vào mạng internet. Chị có hỏi việc ở trường thì cháu chỉ nói: Bình thường. Quan hệ bạn bè cũng...bình thường.
Nếu chị có căn vặn thêm thì thể nào cháu cũng vùng vằng: Việc của con sao mẹ cứ can thiệp. Thương con đang tuổi ăn tuổi lớn, hàng ngày, chị dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho con. Thay vì cảm ơn chị, con gái lại không ăn vì "sợ béo". Nói thế nào cũng không được. Con đi học xa nhà, thương con vất vả, chị bảo con để bố đèo đi hàng ngày. Nhưng, cháu nhất nhất đòi đi xe đạp. Hàng ngày, mỗi khi cháu về đến nhà, thở ra đằng tai, mặt cắt không còn giọt máu. Mãi cho đến một ngày, cháu chắc là đói quá, hoa mắt, đi đâm vào cột điện, bị xước tay chân, cháu mới chịu để bố mẹ đưa đi học. Chị nhìn con, sụt sùi: Con mà nghe mẹ, có phải không xảy ra việc này không.
Này thì roi vọt
Không biết bao nhiêu lần, chị Hải phải dùng đến roi vọt để điều trị tính bướng bỉnh của con. Nhà chị có rộng rãi gì cho cam, có 4 phòng, 2 tầng xinh xinh. Đứng dưới tầng 1 có thể nghe hết tiếng nói trên tầng trên. Ấy thế nhưng, mỗi lần chị Hà cần nhờ con làm việc gì, chị có gào có gọi to thế nào cũng cảm thấy con thưa, con dạ một tiếng. Hoặc cũng dạ rồi bỏ đấy, mẹ có chờ đến... khuya cũng không thấy mặt con đâu.
Roi vọt cũng vẫn bướng
Nhiều lúc, chị gọi con xuống nhà ăn cơm, cơm cũng đã xới, mẹ cũng đã vào bàn, nhưng đợi mãi, đợi mãi, cậu con cứ điềm nhiên nằm xem phim. Một lần, con chị sờ vào máy điện thoại của mẹ, chị quát "Bỏ điện thoại của mẹ xuống, hỏng bây giờ", cậu con trai không những không bỏ còn ném bốp vào tường. Mỗi lần như thế là chị lại cho con ăn no đòn. Nhưng, đòn nào thì cũng chỉ khiến cậu con... sợ được một lần rồi lần sau lại lặp lại. Con lại bướng - chị lại đánh - cháu lại bướng hơn.
Bây giờ, đôi bàn tay của cu Bin cũng đã hằn lên không biết bao nhiêu trận đòn. Của mẹ cũng có, mà của bố, của ông bà cũng có. Nhưng, cả nhà đủ già trẻ lớn bé nhiều lúc đều cảm thấy có gì bất lực trong việc "điều trị" tính bướng bỉnh của cu Bin. Mỗi lần đòi hỏi không được, Bin có thể sẵn sàng lăn ra nhà, ném đồ đạc để đòi quyền lợi.
Bin rất sợ đi học, sáng ra, cháu mè nheo được nghỉ ở nhà. Bố cháu liền cân não Bin bằng cách đưa ra hai sự lựa chọn, hoặc là đi học, hoặc là bị nhốt ở nhà cả ngày một mình. Thế mà cu Bin chọn cách thứ hai. Nó bướng bỉnh đứng trong nhà để bố mẹ nhốt lại. Cho tới buổi trưa, sợ con có chuyện gì không hay, bố Bin buộc phải chịu thua cậu con "trời đánh", xin nghỉ làm buổi chiều để về nhà trông con. Hàng ngày nhìn con, bố mẹ Bin lại ước ao giá con mình được như con nhà... hàng xóm. Ai đời bằng tuổi mà con người ta nói một nghe một, nói hai nghe hai...
Đánh nặng không được, nói nhẹ không xong, nhiều lúc bố mẹ Bin không khỏi lo lắng nếu cứ đà này Bin lớn lên sẽ thành đứa trẻ bất trị.