Một hiện tượng tâm lý thường thấy ở HS tiểu học, nhất là lớp 1 là sợ đến lớp, ít nói, dễ khóc.
Theo các chuyên gia, việc chuẩn bị tâm lý không tốt cho trẻ khi tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới, phải xa bố mẹ, sẽ làm trẻ cảm thấy bị "sốc" và choáng trong những ngày đầu vào lớp 1.
Cùng con đi học
PGS.TS Võ Thị Minh Chí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, "sốc" trong những buổi đầu đến trường là một hiện tượng tâm lý thường thấy ở học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh mới vào lớp 1. Các em thường có tâm lý sợ đến lớp, ít nói, dễ khóc, trì hoãn việc đến trường.
Giải thích về điều này, PGS.TS Minh Chí cho biết, khi học mẫu giáo trẻ được tự do hơn, nên khi vào trường mới trẻ phải đối mặt với thầy cô, bạn bè mới... làm các trẻ bỡ ngỡ, không biết xử lý tình huống như thế nào. Nếu việc giáo dục trong gia đình không tốt, trẻ sẽ không có tâm thế sẵn sàng đến lớp.
Cha mẹ nên tạo tâm lý thoải mái cho trẻ làm quen với môi trường học tập mới
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Bá Đạt, Trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em và gia đình (CPEC) cho rằng, việc bố mẹ không tâm lý trong việc đưa trẻ đến trường cũng sẽ gây cho con sự sợ hãi, bị rối nhiễm tâm lý trong những ngày đầu. Ví dụ, khi đưa con đến trường, cha mẹ không làm "công tác tư tưởng" trước hoặc đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc; dặn con ở một chỗ rồi hứa với con là bố đi một chút sẽ trở lại đón con... Cách đưa trẻ đến trường như thế sẽ làm chúng có cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ không được bố mẹ thương yêu.
Nhiều phụ huynh lại không yên tâm để con ở trường một mình, vẫn cứ thập thò theo dõi khi con đã vào lớp. Các em sẽ càng bịn rịn, nũng nịu và thiếu tự tin khi đến trường nếu vắng gương mặt của bố mẹ.
"Sai lầm lớn nhất là bố mẹ bắt con học chữ trước khi vào lớp 1. Bởi trẻ không còn hứng thú với cái mới của các bài học vì chúng nghĩ điều cô giảng đã biết rồi nên chủ quan, không tập trung và trẻ muốn thích nghi. Hơn nữa, việc cho trẻ viết sớm khi xương bàn tay của chúng còn mềm, lại đặt không đúng nên sẽ đau, trẻ sẽ sợ mỗi lần phải cầm bút, không muốn đi học", PGS.TS Minh Chí tư vấn.
Trong buổi đầu con đến với môi trường mới, cha mẹ cần lắng nghe con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Tuyệt đối không nhờ người khác đưa con đi. Không nên lạm dụng hình thức thưởng để động viên trẻ đi học. Phần thưởng chỉ là chất xúc tác cho trẻ thấy an tâm khi bố mẹ lúc nào cũng bên cạnh động viên, chứ không phải là một áp lực các bé buộc phải đạt được.
Giúp trẻ tự tin khi vào lớp
Theo PGS.TS Võ Thị Minh Chí, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, phụ huynh nên ngồi trò chuyện với trẻ, đưa trẻ đi cùng để chọn những đồ dùng học tập trẻ thích. Cho trẻ làm quen với sách, rèn luyện tính tập trung bằng cách tạo hứng thú cho con khi ngồi vào bàn học bằng những lời khen, động viên...
Khi đưa con đến trường, cha mẹ hãy để cho trẻ độc lập, không nên bám sát con. Sau buổi tới trường, cha mẹ nên gợi chuyện để con bạn kể lại những gì đã diễn ra vào những buổi học đầu tiên, chia sẻ những lo lắng, suy nghĩ của trẻ.
Nếu trẻ làm sai, không nên cáu giận với chúng vì sẽ dẫn đến những vấn đề về tâm sinh lí nguy hiểm cho trẻ.
Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Bá Đạt cho rằng, nếu con sợ đến lớp, cha mẹ không nên đánh mắng, dọa dẫm, xử phạt thân thể với trẻ, mà nên nhẹ nhàng trò chuyện với trẻ để tìm ra nguyên nhân khiến trẻ sợ trường, lớp. Cha mẹ cần tập cho con hình thành tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ để trẻ không ỷ lại vào cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc các em có nhanh chóng làm quen với môi trường học mới hay không còn phụ thuộc vào thái độ của giáo viên. Trong những ngày đầu, cha mẹ, thầy cô cần phải gần gũi, nhẹ nhàng để các em không sợ hãi, thích đến lớp với các bạn.
Tốt nhất, mọi người không nên tạo sức ép cho các em về học tập, mà nên tạo tâm lý thoải mái cho trẻ làm quen với môi trường mới, ổn định tâm lý.
Các bậc phụ huynh phải tăng cường giao tiếp với thầy cô, lắng nghe thầy cô phản ánh về con mình. Vì thầy cô chính là kênh thông tin duy nhất để bố mẹ quan sát con khi không ở bên cạnh.
Theo GĐXH