Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường không mấy hứng thú khi chơi 1 mình. Tuy nhiên, nếu bạn đặt một chiếc gương trước mặt trẻ và để bé nhìn vào đó, bạn sẽ nhận thấy trẻ phấn khích hơn rất nhiều.
Có nhiều bà mẹ muốn dạy con cách cười với mọi người và họ đã để đứa bé nhìn thấy mình trong gương mỗi khi ngủ dậy. Trẻ sẽ nhận thấy có một người bạn và bắt đầu cười. Dần dần, điều này sẽ trở thành thói quen, trẻ sẽ biết cách gây sự chú ý và thân thiện hơn với mọi người quanh mình.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, khi để một em bé 15 tháng tuổi trước gương, trẻ sẽ nhìn thấy những hành động cũng như vẻ mặt của mình, từ đó, nhận thức về sự bắt chước sẽ giúp bé phản ứng nhanh hơn rất nhiều.
Từ lúc này cho đến khi được 1,5 tuổi là giai đoạn bé thấy thích thú với hình ảnh của mình trong gương nhất. Quan sát con, bạn sẽ thấy những dấu hiệu tự nhận biết đầu tiên cũng như khả năng quan sát bản thân như thể đó là một người khác. Bé la ó, hoa chân múa tay, "nói chuyện" ê a, làm mặt xấu...
Trước kia, bé nhận biết tay, chân, mặt, tóc như những thứ không liên quan gì với nhau. Nay bé đã bắt đầu nhận thức được rằng tất cả gắn kết thành một chỉnh thể mà chúng ta vẫn gọi là cơ thể người.
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu nhận thức về bản thân và sự tồn tại của mình. Khi nhìn thấy chính mình trong gương, trẻ sẽ quan sát, cha mẹ có thể chỉ vào gương và nói với con về các bộ phận trên khuôn mặt. Trẻ sẽ rất ghi nhớ những điều đó.
Tuy nhiên nếu bạn nhận thấy trẻ có vẻ không hứng thú với điều này thì hãy tạm dừng việc dạy trẻ môt thời gian ngắn và bắt đầu lại từ đầu.
Trẻ được 3 tuổi
Trẻ được 3 tuổi đã bắt đầu biết nhận thức về mọi thứ quanh mình. Lúc này, thông qua chiếc gương, cha mẹ có thể dạy con cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Ở giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu nhìn và cố làm những động tác thật giống với đứa bé trong gương. Điều này sẽ giúp trẻ linh hoạt hơn.
Lời khuyên cho cha mẹ
- Bạn có thể chơi trò này với con ngay từ năm đầu đời. Sau mỗi tháng lại làm nó khó hơn để bé luôn thấy thú vị.
- Hãy cho bé làm quen với "thế giới sau mặt gương" bắt đầu từ chiếc gương trong phòng tắm. Hẳn là trong lúc được mẹ tắm rửa, bé đã từng ngó trộm "cái đứa giống mình như đúc rồi".
- Đầu tiên bạn hãy tự soi gương (nhớ là phải để cho bé nhìn thấy nhé), sau đó bạn đưa gương đến trước mặt bé. Dần dần bé sẽ tự học được cách "tìm" cái chỗ có ai đó đang "trốn".
- Bạn cũng nên để gương gần cũi của trẻ nhưng phải nhớ là loại gương không vỡ và không có cạnh sắc để tránh con bị thương.
- Khi trẻ lớn hơn, bạn hãy cho con làm quen với tất cả những gì có thể phản chiếu giống như gương.