Khi chơi đồ hàng, giả vờ đồ vật cũ là căn bếp hay chiếc giường, trẻ sẽ được nuôi dưỡng trí tưởng tượng và phát triển kỹ năng ngôn ngữ.
Tiến sĩ Laura Phillips là nhà tâm lý học thần kinh lâm sàng tại Trung tâm Học tập và Phát triển, Viện trẻ em Mỹ. Từ kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá tâm lý, thần kinh của trẻ em và thanh thiếu niên, tiến sĩ Laura đưa ra một số loại đồ chơi giúp kích thích sự phát triển của trẻ.
Là bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhi khoa, tôi dành nhiều thời gian nói chuyện với phụ huynh quan tâm đến sự phát triển của con. Với việc giáo dục trẻ thông qua đồ chơi, những món đồ điện tử phát sáng, có thể nói chuyện hay ca hát sẽ làm được nhiều việc.
Tuy nhiên, điều đó có nghĩa trẻ sẽ lười tư duy và không có nhiều cơ hội sáng tạo công cụ của riêng mình. Dưới đây là một số món đồ chơi giúp trẻ tăng khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề về tổ chức, kỹ năng mà các bạn nên chọn cho trẻ.
1. Sách
Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ đoán được sách nằm trong danh sách này. Ngôn ngữ và giao tiếp là thành tựu phát triển quan trọng nhất của trẻ trong độ tuổi lên 3. Ngôn ngữ được bộc lộ khi trẻ tiếp xúc với từ ngữ và cuộc hội thoại trong thế giới thực.
Sách cung cấp cho trẻ cơ hội nghe từ và cấu trúc mới mà hội thoại hàng ngày ít đề cập. Việc tiếp xúc nhiều với chữ viết ngay từ nhỏ, dù trẻ chưa hiểu, vẫn giúp phát triển khả năng sử dụng và học ngôn ngữ sau này tốt hơn.
Thông qua sách, trẻ em cũng được làm quen với các khái niệm, văn hóa và chủ đề xã hội mới. Đây là kiến thức nền tảng, giúp trẻ phát triển sự đồng cảm để giao tiếp và phát triển. Mỗi khi đọc sách, bạn nên mua những quyển nhiều tranh vẽ, ít chữ và đọc cho trẻ nghe. Hình vẽ của tranh cũng sẽ góp phần thúc đẩy niềm yêu thích và khơi gợi sự tìm hiểu về thế giới xung quanh.
2. Đồ chơi nghệ thuật
Nhắc đến nghệ thuật, bạn không cần quá lo lắng và cho rằng những món đồ này quá sức so với trẻ. Vật liệu nghệ thuật đơn giản chỉ gồm sơn móng tay, bút chì, bút màu, phấn... kết hợp vật liệu tái chế như lõi giấy vệ chính, bìa carton, giấy gói đã qua sử dụng. Bạn hãy cho phép trẻ tự sáng tạo đồ chơi mình thích từ những dụng cụ trên.
Nếu trẻ hết ý tưởng hoặc vật liệu, bạn có thể cung cấp nguyên liệu mới để khuyến khích tiếp tục sáng tạo. Trường hợp trẻ cần một số nguyên liệu như hồ dán, dây buộc, bạn cũng nên vui vẻ cung cấp. Khi cho phép trẻ chơi các món đồ này, bạn nên chuẩn bị tinh thần và chấp nhận việc trẻ bày bừa một góc trong căn nhà.
3.Chơi đồ hàng
Việc sử dụng những đồ vật cũ, giả vờ như nhà bếp đồ chơi, chiếc giường, xe máy... giúp trẻ nuôi dưỡng trí tưởng tượng, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tư duy và cảm xúc xã hội. Khi trẻ nhập vai trong thế giới do chúng tạo ra, chúng có thể làm điều bản thân muốn, xây dựng tính tự lập và bản lĩnh khi giải quyết vấn đề.
4. Các hình khối
Ngoài việc kích thích sáng tạo như các đồ chơi khác, hình khối còn giúp trẻ hình thành tư duy và trí tưởng tượng về mặt không gian. Những hình khối gồm miếng xếp hình, lego, thanh gỗ... Điểm cộng của các món đồ chơi này là không bẩn, tái sử dụng được nhiều lần.
Ban đầu, bạn nên để trẻ lắp ghép theo hình mẫu có sẵn, sau đó gợi ý và động viên trẻ sáng tạo ra mô hình mình muốn. Trò chơi này đóng góp lớn trong việc giúp trẻ có bài học đầu tiên về kích thước, hình dạng, kết cấu và trọng lượng của đồ vật xung quanh.
5. Bảng chữ cái nam châm
Khi tiếp cận với ngôn ngữ, trẻ cần biết đến điều tạo ra ngôn ngữ, đó chính là chữ cái. Hơn nữa, việc nhớ mặt chữ trước khi đi học cũng giúp quá trình học của trẻ thuận lợi hơn. Các chữ cái sẽ giúp trẻ hình thành tư duy về việc sắp xếp chữ và cách đặt tên.
Bảng chữ cái nam châm khi di chuyển, đặt lên bảng từ hoặc tủ lạnh còn hỗ trợ trẻ phát triển khả năng vận động và cử động tay linh hoạt hơn. Khi tay mềm, việc luyện chữ sau này sẽ bớt khó khăn và chữ của trẻ cũng đỡ nguệch ngoạc.