Ý tưởng về việc bồi dưỡng cho một đứa trẻ có thể sử dụng 2 thứ tiếng đang ngày càng trở thành một chủ đề đáng quan tâm đối với rất nhiều gia đình; khi các em vừa trưởng thành mà biết nói nhiều hơn một ngôn ngữ thì đó chắc hẳn là một lợi thế rất lớn trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên việc thông thạo 2 thứ tiếng đâu phải cứ một sớm một chiều là sẽ thực hiện được; quá trình bồi dưỡng cho con bạn nói được hơn một ngôn ngữ đòi hỏi phải lập kế hoạch và suy nghĩ thật kĩ lưỡng, ngoài ra còn liên quan đến vô số các quyết định về môi trường học đường và nhà ở nơi mà con bạn sẽ được bồi dưỡng.
Các trường hợp sử dụng song ngữ khác nhau
Trên cơ bản có 2 trường hợp sử dụng song ngữ từ thời thơ ấu. Đầu tiên là nơi mà trẻ làm quen với đồng thời 2 ngôn ngữ cùng một lúc, thường là từ lúc mới chào đời. Trường hợp này gọi là sử dụng 2 ngôn ngữ đồng thời. Nhiều trẻ em Singapore có thể nói được 2 ngôn ngữ một lúc.
Trường hợp thứ 2 được gọi là sử dụng 2 ngôn ngữ một cách tuần tự hoặc liên tiếp. Nó hình thành khi một đứa trẻ đã có một nền tảng ngôn ngữ gốc trước khi được học ngôn ngữ thứ 2 trong độ tuổi chưa phải đến trường hoặc muộn hơn (tuổi lên 3 thường là thời điểm mà có thể chia thành 2 kiểu học ngôn ngữ: học đồng thời hoặc học liên tiếp)
Lập kế hoạch cho việc sử dụng song ngữ
Một vài gia đình đang cân nhắc xem họ nên cho con mình học ngôn ngữ nào trong khi ở một số gia đình khác thì việc sử dụng ngôn ngữ của con họ có thể chỉ là do hoàn cảnh. Các gia đình dành thời gian để thảo luận về mục tiêu đặt ra của họ đối với khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ, họ thường ao ước chứng kiến thấy con mình đạt được trình độ cao hơn về các kĩ năng ngôn ngữ.
Nếu bạn có mong muốn bồi dưỡng cho con trẻ có thể sử dụng được 2 ngôn ngữ thì sẽ thật là rất hữu ích khi nói về cách thức để làm sao có thể sớm đạt được mục đích này trong cuộc sống của trẻ, và suy tính xem mỗi phụ huynh và người chăm sóc trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ nào, trường mầm non nào có thể đáp ứng những mục đích mà bạn đã đặt ra cho con mình, cuối cùng là những khía cạnh nào của ngôn ngữ mà có thể được nhấn mạnh hoặc củng cố bên ngoài môi trường học đường.
Liệu con tôi có bị rối không khi học 2 ngôn ngữ?
Trẻ em có một khả năng đáng kinh ngạc trong việc tiếp thu các ngôn ngữ và dường như chúng đã được trang bị các kĩ năng để học nhiều ngôn ngữ một cách đồng thời. Tuy nhiên, có một vài chiến lược nhất định mà có thể trợ giúp quá trình này.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc tách 2 ngôn ngữ là để trẻ em học cách phân biệt theo bản năng giữa các hệ thống ngôn ngữ khác nhau, qua đó sẽ làm cho trẻ tiếp thu được ngôn ngữ dễ dàng hơn. Vì vậy, việc thiết lập ranh giới giữa các ngôn ngữ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích: ví dụ như một bậc phụ huynh sẽ luôn sử dụng nhất quán một ngôn ngữ trong khi nói chuyện mà không chuyển sang một ngôn ngữ khác, điều này sẽ tạo ra cho trẻ một nhu cầu thực sự để giao tiếp với cha mẹ bằng ngôn ngữ đích.
Một phương pháp khác trong việc thiết lập những ranh giới giữa các ngôn ngữ đó là khi cả cha và mẹ đều nói một ngôn ngữ duy nhất lúc ở nhà, và ngôn ngữ thứ 2 được sử dụng ở trường. Khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các bạn học cùng lớp, và nhiều trẻ đã chọn thêm một ngôn ngữ bởi vì chúng có một khao khát thực sự hay chỉ là nhu cầu để có thể giao tiếp với bạn bè của chúng.
Khả năng thứ 3 đó là một ngôn ngữ được nói ở trường lẫn ở nhà, và ngôn ngữ thứ 2 chỉ được sử dụng với một nhóm người nào đó, ví dụ như ông bà của trẻ. Tuy nhiên, để cho chiến lược này được hiệu quả, trẻ cần phải được tiếp xúc thường xuyên với ông bà của chúng và ngược lại ông bà cũng phải nói chuyện một cách thoải mái với trẻ bằng ngôn ngữ đích.
Tính nhất quán là một yếu tố quan trọng
Tính nhất quán là một vấn đề quan trọng trong việc sớm tìm hiểu ngôn ngữ. Nếu bạn trộn lẫn các ngôn ngữ trong cùng một buổi nói chuyện, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy khó khăn để tách biệt từ vựng và ngữ pháp vào trong một ngôn ngữ thích hợp. Trẻ sẽ có nguy cơ học phải một ngôn ngữ "pha trộn" mà có thể gọi là ngôn ngữ lai căng. Một ví dụ điển hình đó là những trẻ em nói tiếng "Anh-Singapore" thường gặp phải những khó khăn trong việc hiểu được người nói tiếng Anh bản ngữ và người nói tiếng Hoa bản ngữ nói gì bởi vì các em đã quen với ngôn ngữ tiếng bồi.
Tạo nên một sự cân bằng
Điều quan trọng là phải thử và dung hoà ngôn ngữ mà bạn muốn con mình nói. Nếu trẻ chỉ sử dụng một ngôn ngữ trong suốt thời gian ở trường và chỉ dành một ít thời gian ở nhà để nghe các ngôn ngữ khác thì có vẻ như ngôn ngữ sử dụng ở trường sẽ phát triển dễ dàng hơn nhiều so với ngôn ngữ ở nhà. Vì vậy điều quan trọng là phải lập kế hoạch dành thêm thời gian bằng cách sử dụng ngôn ngữ ở nhà trong nhiều tình huống khác nhau và với những đối tượng khác nhau. Các trải nghiệm ngôn ngữ dồi dào trong cả hai ngôn ngữ là một điều thiết yếu để có được khả năng phát triển tốt việc sử dụng 2 ngôn ngữ.
Chất lượng ngôn ngữ
Chất lượng tương tác của ngôn ngữ cũng rất quan trọng. Ngôn ngữ được sử dụng với trẻ nhỏ không nên quá phức tạp và nên tập trung vào việc phát triển các kĩ năng ngôn ngữ cho quá trình giao tiếp thực sự chứ không phải cứ dựa vào các bài tập vô nghĩa hoặc lối học vẹt. Các từ mới và cụm từ cần phải được củng cố thông qua các câu chuyện, bài hát, vần điệu và các cuộc nói chuyện chung, cũng như có nhiều lời động viên và khen ngợi nên được dành tặng cho trẻ vì nỗ lực của các em trong quá trình giao tiếp. Là một phụ huynh, bạn cần phải là một người biết lắng nghe và mang đến các mô hình ngôn ngữ thật tốt bằng cách sử dụng một vốn từ dồi dào và thu hút con bạn vào cuộc nói chuyện. Việc cung cấp sách, âm nhạc, thậm chí là phim ảnh có sử dụng 2 ngôn ngữ là cách tốt nhất để kích thích khả năng phát triển ngôn ngữ.
Trẻ em là những cá nhân riêng biệt
Là một bậc phụ huynh, điều quan trọng là bạn phải nhận thức được rằng tất cả trẻ em đều khác nhau. Mỗi đứa trẻ sẽ học ngôn ngữ theo một nhịp độ và cách thức riêng của mình. Một số trẻ em có vẻ như có năng khiếu tự nhiên về việc học ngoại ngữ hơn là các năng khiếu khác. Điều này được cho là do một số yếu tố đa dạng chẳng hạn như:
• Tính cơ động và ổn định - Một gia đình sống trong cộng đồng ngôn ngữ thứ 2 trong quãng thời gian lâu dài hơn sẽ có cơ hội duy trì ngôn ngữ thứ 2 nhiều hơn.
• Quan hệ trong gia đình - Mối quan hệ trong gia đình ảnh hưởng đến khả năng phát triển 2 ngôn ngữ. Ví dụ, nếu cha nói một ngôn ngữ khác mẹ nói một ngôn ngữ khác nhưng người cha không thường xuyên ở nhà thì trẻ sẽ học ngôn ngữ của mẹ dễ dàng hơn
• Các cách nhìn nhận đối với ngôn ngữ đích - Trẻ cần phải hiểu và cảm nhận một điều rằng ngôn ngữ được nói bởi các thành viên trong gia đình, trong trường học của trẻ và trong cộng đồng là một điều hết sức có giá trị. Trẻ em có thể sẵn sàng giao tiếp bằng một ngôn ngữ nếu như trẻ nhận thấy ngôn ngữ đó có ý nghĩa và mang tính tích cực
Biết được từ hai ngôn ngữ trở lên có thể là một lợi thế rất rõ ràng trong cuộc sống. Khả năng sử dụng 2 ngôn ngữ cho phép trẻ có thể giao tiếp với rất nhiều người và tạo điều kiện cho chúng tiếp cận với 2 hay nhiều nền văn hoá. Trẻ có thể có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn trong cuộc sống sau này và nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tích luỹ được 2 hệ thống ngôn ngữ khác biệt có thể giúp trẻ có được những lợi thế về các kĩ năng tư duy. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng cho trẻ có thể học 2 thứ tiếng bao gồm một số quyết định quan trọng mà liên quan đến danh tính đứa trẻ, lòng tự trọng, các lựa chọn về trường học cũng như là các yếu tố xã hội. Đây là những quyết định quan trọng trong cuộc sống của con bạn và cần phải được xem xét một các thận trọng.