Một bà mẹ cho con đi học múa vì mình từng ao ước thành diễn viên, còn ông bố khác lại bắt cậu quý tử đi học vẽ vì mong con sau này theo nghề kiến trúc... mà không hề để ý đến khả năng và sở thích của trẻ.
Nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh thường đăng ký cho con tham gia các lớp ngoại khóa, mong con phát triển năng khiếu và có kỳ nghỉ bổ ích..
Tuy nhiên, "có rất nhiều phụ huynh bối rối không biết cho con học môn gì và ở đâu cho hiệu quả. Không những thế, một lỗi mà không ít người lớn hay mắc là bắt con phải học theo những gì mình muốn mà không hiểu rõ nhu cầu, khả năng hay tâm lý của trẻ", nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Smile House (Láng Hạ, Hà Nội), nhận xét trong buổi hội thảo về kỹ năng tạo cho con một kỳ nghỉ hè bổ ích, hiệu quả mới đây ở Hà Nội.
Quân - một thành viên của lớp học khám phá bản thân dành cho trẻ 11-16 tuổi tại Smile"s House kể, hè năm ngoái, em được bố - một chủ doanh nghiệp về bất động sản ở Hà Nội - cho đi tập gold cùng. Bố em nghĩ cách này vừa cho con học thêm một môn thể thao "đẳng cấp" vừa giúp cậu quý tử mạnh dạn hơn nhờ giao tiếp với những người bạn trong giới kinh doanh của mình. Nhưng được đúng hai buổi, Quân nhất định không chịu đi cùng bố nữa.
Hãy chú ý đến sở thích cũng như năng khiếu để chọn cho con một môn học thích hợp
"Em chẳng thích chạy lon ton theo bố trên sân nắng chang chang tí nào. Bố với các bác ấy còn toàn nói những chuyện mà em chẳng hiểu gì" cậu học trò kể lại.
Một trường hợp khác, Ngọc (học sinh lớp 4 ở Đống Đa, Hà Nội) được bố mẹ cho đi học tăng cường piano hơn 2 năm nhưng em chỉ biết đánh được duy nhất một bản nhạc "Đồ, đô, ri, mi...".
Lý do đi học của cô bé khá quen thuộc: Mẹ em thích thế vì hồi nhỏ mẹ từng mơ ước trở thành nhạc sĩ. Mẹ đã ghi danh cho con học một cô giáo trường nhạc khá nổi tiếng ở Hà Nội, với mức học phí khá cao, nhưng con chẳng hào hứng gì. Dù vậy, mẹ vẫn nhất quyết không cho con nghỉ.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, việc cho con tham gia các hoạt động về nghệ thuật hay thể thao sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Tuy nhiên, khi chọn môn ngoại khóa cho con, đầu tiên bạn phải xem nó có phù hợp với lứa tuổi của trẻ không. Trẻ mầm non thích hát múa, nhảy và chưa phân biệt hoạt động cho con gái hay con trai, bố mẹ có thể cho bé tham gia các môn như hát, múa, kịch, tạo hình...
Khi lên bậc tiểu học, trẻ bắt đầu thích thể hiện mình và đã có sự phân biệt giới tính, bé gái sẽ quan tâm đến các lớp hát, múa, thời trang, kịch hay rèn luyện hình thể bằng dancesport, thể dục nghệ thuật... còn những em nam thường say mê các môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bơi, hay cờ vua, cờ tướng... Ngoài ra, với cả hai giới, các lớp rèn luyện ý thức tự lập, tính tự tin, khả năng làm việc nhóm... thông qua các trò chơi, thảo luận, sinh hoạt tập thể... sẽ rất hữu ích ở độ tuổi này.
Bước sang lứa tuổi teen, khi trẻ trở nên khép kín hơn, nên khuyến khích các em tham gia các môn rèn luyện khả năng ghi nhớ, tư duy tích cực thông qua những hoạt động vui chơi, khám phá bản thân.... Ở lứa tuổi này, những khóa sinh hoạt về kỹ năng sống cũng sẽ giúp các em nhận thức về những ưu khuyết điểm của mình, nếu được bố mẹ khích lệ, định hướng đúng, trẻ có thể tự thay đổi theo hướng tích cực.
Theo chuyên gia giáo dục, khi đăng ký cho con học năng khiếu, bố mẹ cần quan tâm đến khả năng và sở thích của trẻ. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, khi "sở thích" có thể thay đổi liên tục theo ngày, bố mẹ cần biết cách định hướng, gây hứng thú và luôn khích lệ trẻ.
Còn với những cháu vốn nhút nhát hoặc không thích các hoạt động tập thể, cách để "dụ" bé tham gia những hoạt động ngoại khóa cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu thấy con gái tự ti, vụng về trong ứng xử... thay vì bảo: "Con đi học kỹ năng sống đi, nói năng thì bộp chộp, lớn tướng rồi mà chả biết gì." hay "Con mà không đi học thì sau này làm sao mà thành đạt được", bạn hãy nhẹ nhàng chia sẻ: "Mẹ thấy bạn Ngân nhà bác Nga đang sinh hoạt ở một câu lạc bộ rất hấp dẫn, giúp cho các con tự tin hơn khi đứng trước đám đông đấy" hay "Mẹ nghe nói có chỗ nay hay lắm, con thử tham gia một buổi xem, không thích thì thôi"...
"Trong giao tiếp với trẻ, việc nói đúng "từ khóa" quan trọng lắm, chẳng hạn, trẻ thường rất sợ chữ "học" vì thế bố mẹ nên tránh sử dụng từ này", bà Thủy nói.
Theo nhà giáo dục, hiện nay, ở Hà Nội cũng như một số thành phố lớn có không ít địa điểm, trung tâm tổ chức những hoạt động ngoại khóa cho trẻ, nhưng không phải chỗ nào cũng đảm bảo chất lượng.
"Muốn tìm được môi trường tốt cho con, bạn đừng tin mọi thứ đọc được trong tờ quảng cáo, cũng không cần hỏi người lãnh đạo cao nhất, mà có thể sử dụng những cách tìm hiểu "kín đáo" hơn, chẳng hạn như quan sát những học sinh đang sinh hoạt tại đó và cách đối xử, làm việc của đội ngũ nhân viên, hỏi han các phụ huynh cũ, người bảo vệ, dân cư xung quanh...", nhà giáo chia sẻ kinh nghiệm.
Bà Thủy cho rằng, việc cho trẻ tham gia một hoạt động ngoại khóa không nên chỉ nhất thời vài buổi hoặc trong kỳ nghỉ hè mà hãy để nó trở thành một hoạt động thường xuyên, giúp trẻ cân bằng giữa vui chơi với học tập.
Bà cũng cho biết, trong dịp hè, bố mẹ không nên bắt con phải học thêm các môn văn hóa quá nhiều. Quan trọng hơn, hãy giúp trẻ rèn ý thức tự học, để các em có thể tự ôn tập trong sách giáo khoa, qua truyền hình hay internet... Với các em có sức học quá yếu thì có thể học thêm nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải, bởi việc nhồi nhét bắt con phải "bứt phá" sau kỳ nghỉ hè chỉ phản tác dụng.
Ngoài ra, theo nhà giáo dục, trong thời gian này, phụ huynh hãy giúp con giữ nếp sinh hoạt như ngày thường, chẳng hạn giờ giấc ăn, ngủ, thức dậy vẫn như trong năm học, chỉ có điều thay vì buổi tối trẻ phải ngồi học bài thì có thể đọc sách, vui chơi, hay cả nhà cùng tranh luận về vấn đề gì đó, còn buổi sáng thay vì đến trường các em có thể đi tập thể thao hay giúp mẹ việc nhà...