Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã được học kỹ năng sống. Từ lúc biết nói, cha mẹ đã dạy cho trẻ ngôn ngữ giao tiếp như “chào ông, chào bà, ạ cô, ạ chú,…”. Đó chính là kỹ năng giao tiếp đầu đời mà các em được rèn luyện. Lớn lên, khi trẻ đến trường đến lớp, mối quan hệ xã hội được mở rộng bởi ngoài gia đình, các em còn được làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô.
Đây là giai đoạn mà trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng cơ bản để đối phó với thực tế và môi trường xung quanh. Các em cần được trang bị các kỹ năng cần thiết khác như rèn luyện và phát triển thể chất, tự nhận thức bản thân, xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để hoàn thiện nhân cách,… hay các kỹ năng xã hội khác như: giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm,… Do đó, nếu không có sự trang bị tốt về kỹ năng sống cho trẻ hay có sự định hướng không đúng đắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em.
Học sinh Trường Tây Úc trong buổi học kỹ năng làm việc nhóm
Vấn đề bộc lộ kỹ năng sống ở mỗi đứa trẻ là khác nhau tùy theo hoàn cảnh và độ tuổi. Tuy nhiên, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, khi ở độ tuổi quan trọng như mẫu giáo, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 1, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống. Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho trẻ một cách khoa học và có chiến lược.