Nếu bạn thực sự quan tâm tới việc học của con thì bạn cần chú ý tới năng lực, thể chất của bé ngay từ khi bé bắt đầu bước vào lớp mầm non.
Trước đây, chúng ta phó mặc con cho các cô giáo để rảnh rang làm việc. Cứ đủ tuổi học lớp mầm non là chúng ta cho con đi học. Chúng ta không thèm quan tâm tới bé đã có đủ năng lực cá nhân để tham gia lớp học hay không, ước muốn của bé ra sao... Khi tầm của bé không thể tiếp nhận những hoạt động của lớp học, bé sẽ thu mình lại, trở nên nhút nhát hơn, khép kín hơn. Bạn đã vô tình biến con trở thành một người yếu kém.
Vì vậy, trước khi quyết định gửi bé vào học các lớp mầm non, bạn nên quan tâm tới thể chất, cảm xúc, trí tuệ... của bé. Xem bé đã đủ năng lực để tự mình vệ sinh cá nhân, tham gia lớp học, chơi nhóm với các bạn khác chưa?
EVA.VN xin chia sẻ với các mẹ bé một số câu hỏi để tìm hiểu xem, bé nhà bạn đã thực sự sẵn sàng tới lớp mầm non chưa, hay bé cần thêm một chút thời gian nữa:
Cần rèn cho bé thói quen tự lập
1. Bé đã tự mình làm được một số công việc đơn giản chưa?
Lớp học mầm non đòi hỏi các bé phải có các kĩ năng cơ bản. Ví dụ như bé phải biết ngồi bô, đi tiểu... Bé cũng có khả năng làm một số việc đơn giản khác như biết rửa tay sau khi vẽ, ăn bữa trưa mà không cần cô giáo giúp, ngủ một mình...
2. Bé có sẵn sàng xa bạn?
Nếu bé được chăm sóc bởi bảo mẫu, người thân, bé sẽ ít quấn mẹ hơn khi bé đi học ở trường. Tuy nhiên, đối với các bé mà ngày nào cũng được sự quan tâm của cha mẹ, được sống quen trong vòng tay cha mẹ thì lần đầu tiên bé đi học lớp mầm non thường là khóc lóc, đòi về, "con sợ lắm, con không đi học đâu...".
Chính vì thế, để cải thiện tình trạng bé mè nheo, bám mẹ, nhất quyết không chịu xa mẹ thì ngay từ khi còn nhỏ, bạn hãy cho bé cơ hội được... xa bạn. Ví dụ, cuối tuần, bạn hãy cho bé về nhà ông bà nội ngoại chơi hoặc cho bé chơi cùng các anh chị em họ, anh chị em trong nhà...
Còn trong trường hợp mà bé nhà bạn nay mai chuẩn bị đi học, bạn cũng đừng lo lắng quá. Một số bé rất ngoan ngoãn vào lớp học. Một số bé cần sự trợ giúp của mẹ. Ngày đầu tiên, bạn nên để bé tại lớp khoảng 1-2 giờ, sau đó đưa bé về nhà, nói chuyện với bé về lớp học một cách hào hứng, điều này hứa hẹn một ngày tiếp theo thực sự thú vị đối với bé.
3. Bé đã biết tự hoàn thành công việc của mình?
Các bé mầm non thường tham gia vào khá nhiều hoạt động nghệ thuật hoặc những trò chơi đòi hỏi sự tập trung và khả năng tự hoàn thành nhiệm vụ. Khi ở nhà, bạn nên quan sát khả năng này ở bé. Nếu bé chưa có, bạn hãy giúp bé bằng cách tạo nhiều cơ hội. Ví dụ, trong khi rửa bát, bạn có thể để bé ngồi trên bàn ăn và lấy đất nặn ra cho bé nặn các hình con vật, hình cây cối... Mục đích của bạn là giúp bé làm quen với các hoạt động mà ở lớp mầm non bé sẽ trải qua.
4. Bé có sẵn sàng tham gia vào các nhóm hoạt động không?
Rất nhiều hoạt động tại các lớp học mầm non như trò bịt mắt bắt dê... cần tất cả các bé tham gia. Sự tương tác giữa các bé giúp bé có cơ hội chơi và học tập cùng nhau cũng như giúp bé vận động đứng lên, ngồi xuống, lắng nghe câu chuyện hoặc hát bài hát... Điều này thực sự khó cho bé dưới 3 tuổi khi các hoạt động thể chất chưa cho phép.
Trong trường hợp, bé không có nhiều cơ hội tham gia vào nhóm hoạt động ở nhà, bạn hãy giúp bé tham gia các hoạt động ngoại khóa của các trung tâm, đưa bé ra công viên nơi có nhiều trẻ con chơi đùa ở đó...
5. Bé có hay thực hiện theo một kế hoạch, lịch trình được lập sẵn?
Trẻ mầm non thường hoạt động theo thói quen hàng ngày: giờ chơi, giờ học, giờ ăn nhanh, giờ ngủ, giờ ăn trưa... Bé thường thoải mái khi các thứ tương tự diễn ra trong cùng thời gian từ ngày này qua ngày khác.
Nếu bé chưa được tập thói quen ăn ngủ, chơi đúng giờ, có kế hoạch thì bạn hãy tạo cho bé thói quen thực hiện theo thời gian biểu.
6. Bé có thể chất đáp ứng với các hoạt động ở trường mầm non không?
Dù là ở trường nửa ngày hoặc cả ngày, các hoạt động luôn khiến bé bận rộn, tốn nhiều sức lực. Sau bữa ăn trưa, bé sẽ được ngủ một giấc ngủ ngắn. Vì thế, khi ở nhà, bạn nên tạo điều kiện cho bé đi ngủ đúng giờ. Khi bé ngủ đủ, bé sẽ có nhiều năng lượng cho một ngày mới.
7. Tại sao bạn lại muốn cho bé đi học mầm non?
Suy nghĩ chắc chắn về mục đích của bạn khi gửi bé tới trường mầm non. Bạn cần thời gian cho bản thân hay bạn cần một môi trường giáo dục chính thống cho bé?
Các chuyên gia đều cho rằng, có nhiều cách giúp bé phát triển những kĩ năng cần thiết để bé có thể thành công khi lớn lên chứ không hẳn chỉ có đưa bé đến trường mầm non mới có thể giúp bé.
Sau đi trả lời 7 câu hỏi mà chúng tôi đưa ra, ắt hẳn các mẹ bé đã có câu trả lời cho riêng mình.