1. Để bé "hấp thu" mọi điều trong cuộc sống
Khi bé được 1 tuổi trở lên, bố mẹ có thể cho bé tiếp xúc với hầu hết mọi đồ chơi, mọi đồ vật trong gia đình, tìm hiểu môi trường xung quanh như cây côi, hoa quả, các loài động vật. Có thể cho bé nếm hầu hết các món, các vị đồ ăn. Bé sẽ cảm thấy vô cùng mới lạ và hấp dẫn.
Vì thế, khi bé lớn hơn một chút và sau này, bé sẽ có thói quen tìm hiểu và khám phá mọi vật xung quanh.
Bố mẹ cũng không nên bỏ qua các cơ hội đưa bé đi xem những buổi triển lãm, các buổi ca múa nhạc, đi bơi, du lịch nếu gia đình có điều kiện, đi thăm họ hàng... để kích thích lòng nhiệt tình và tính ham học hỏi của bé.
Nên để bé hoà nhập với môi trường sống, chứ không nên để bé chọn lựa kiểu "kén cá chọn canh" như con chỉ đi biển mà không thích leo núi, con chỉ thích đi chơi công viên chứ không đến nhà bác A...
2. Hướng dẫn bé suy nghĩ mọi nơi mọi lúc và luôn đặt câu hỏi cho bé
Bố mẹ luôn hướng dẫn bé quan sát mọi thứ xung quanh và đặt câu hỏi cho bé từ khi còn nhỏ sẽ làm cho cuộc sống tinh thần của bé vô cùng phong phú.
Ví dụ: trong nhà mình có những đồ vật gì, màu sắc thế nào?... Hay chỉ đơn giản hỏi con: "Bố hay mẹ nói nhiều hơn?".
Bé lớn hơn một chút, bố mẹ có thể đặt những câu hỏi khó hơn và giảng giải cho bé như: "Tại sao con mèo nó đi lại êm ái, không nghe thấy tiếng cộp cộp như khi bố đi giày?" và mẹ giải thích: "Vì con mèo có đệm thịt ở chân nên khi nó bước đi, không ai nghe thấy tiếng động".
Việc đặt câu hỏi cũng khiến bố mẹ không còn lo lắng bé thiếu những cảm nhận trong cuộc sống.
Mẹ nên thường xuyên cho bé ra ngoài chơi và giảng giải mọi điều cho bé
3. Không nên chỉ cho bé chơi những đồ chơi đơn thuần
Ai cũng phải công nhận đồ chơi là những người bạn tốt, những vật bất ly thân của bé. Nhưng không vì thế mà bố mẹ chỉ chăm chăm mua đồ chơi để dỗ con. Không nên để thời gian chơi đồ chơi, chơi điện tử chiếm phần lớn thời gian sống của bé.
Có nhiều bố mẹ đã mua rất nhiều đồ chơi về cho con. Điều này sẽ khiến bé xa rời thực tế, chỉ biết đến thế giới đồ chơi. Những cảm nhận về thế giới thực sẽ thú vị và hữu ích cho bé hơn những cảm nhận do đồ chơi mang lại.
Bố mẹ cũng nên biết cách chọn đồ chơi cho bé: đồ chơi mang tính trí tuệ, đồ chơi có tính giáo dục...
Cho bé chơi các loại đồ chơi phong phú. Không nên hạn chế bé gái chỉ được chơi búp bê, bé trai chỉ được chơi ô tô.
4. Nên "bắt" con chịu đựng sự "gian khổ"
Điều này nghe có vẻ vô lý. Nhưng thay vì bố mẹ đem lại cho bé một cuộc sống toàn màu hồng, hãy cho bé trải nghiệm, rèn luyện sự "gian khổ" một chút.
Việc này chỉ đơn giản bắt bé kiên trì làm một việc mà bé không thích. Hay có một bữa toàn món bé không thích ăn.
Tất nhiên, hầu hết tất cả mọi điều bố mẹ dạy bé đều mang ý nghĩa tích cực. Không nên vì thế mà bắt bé làm những việc quá sức chịu đựng, khiến bé trở nên sợ hãi và xa lánh người lớn.
5. Kích thích sự sáng tạo của bé
Chỉ cần bố mẹ chú ý một chút là có thể làm được ngay. Bố mẹ luôn khuyến khích bé đưa ra ý kiến riêng của mình.
Ví dụ, khi dạy bé nhận biết màu sắc, mẹ có thể dạy bé: màu vàng kết hợp với màu đỏ thành màu da cam.
Mẹ có thể hỏi bé: theo con, màu A kết hợp với màu B sẽ ra màu gì và cho bé thực hành luôn. Hoặc mẹ có thể để bé tuỳ ý kết hợp các màu sắc theo ý bé thích.
Cũng có thể cho bé tự lựa chọn quần áo, giày dép, bộ nào đi với bộ nào. Chắc chắn bố mẹ sẽ phải công nhận sự kết hợp và lựa chọn của bé hoàn toàn tinh tế. Vì với mọi việc, bé luôn luôn đưa ra được cái lý của mình.