Đối với nhiều gia đình, việc mỗi tối bắt con đi ngủ giống như một trận chiến và thường sẽ kết thúc trong nước mắt. Trải qua một ngày dài làm việc mệt mỏi, đến tối về bố mẹ chỉ muốn lên giường sớm để nghỉ ngơi.
Thế nhưng đến 10-11 giờ tối mà đứa trẻ dường như vẫn còn tràn đầy năng lượng, nhảy nhót, la hét, không chịu đi ngủ. Lúc này bố mẹ không còn đủ sức lực và sự kiên nhẫn nữa sẽ quát tháo, thậm chí là tét vào mông con vài cái.
Thật kỳ lạ, sau mỗi lần con khóc lóc như vậy thì chỉ khoảng vài phút sau chúng đã có thể ngủ một cách ngon lành. Vì sao lại như thế?
Việc khóc sẽ dẫn đến mắt bị mỏi nên khiến trẻ dễ ngủ
Không chỉ có trẻ con mà người lớn chúng ta cũng sẽ có trải nghiệm này. Mỗi lần sau khi khóc xong sẽ cảm thấy choáng váng và rất khó mở mắt, chỉ muốn nhắm mắt ngủ một giấc thật ngon. Đứa trẻ sau khi khóc quá mệt mỏi, nhắm mắt lại, từ từ chìm vào giấc ngủ.
Việc khóc làm cho trẻ bị kiệt sức
Khóc là một hoạt động thể chất, đòi hỏi đứa trẻ phải tốn rất nhiều năng lượng vào đó. Chính vì vậy khi trẻ gào khóc chỉ một lúc thôi là chúng đã cảm thấy rất mệt mỏi. Chút sức lực còn lại cuối ngày cũng đã bị vắt kiệt và trẻ sẽ dễ ngủ hơn.
Việc khóc giúp giải tỏa năng lượng xấu khiến cho trẻ thoải mái hơn
Một người đang tức giận, lo lắng hoặc đang có sự căng thẳng về tinh thần sẽ không thể nào ngủ được. Chỉ khi mọi vấn đề được giải quyết, tinh thần thoải mái trở lại thì họ mới dễ dàng bước vào giấc ngủ ngọt ngào. Khi được trẻ khóc, chúng sẽ có thể giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực hiện có, mọi lo lắng trong đầu như được rửa sạch sẽ, tâm hồn thoải mái và chúng sẽ cảm thấy dễ ngủ hơn.
Nhìn bề ngoài, việc đánh hoặc mắng làm cho trẻ khóc sẽ giúp cho trẻ dễ ngủ hơn và có vẻ là một kế sách khá hiệu quả đối với bố mẹ. Tuy nhiên việc làm này không nên áp dụng thường xuyên bởi cho dù trẻ có thể ngủ rất say, cảm xúc được giải tỏa nhưng đó lại là cách giải tỏa mang tính tiêu cực, khiến cho tâm lý của con có thể bị tổn thương và gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Trẻ trằn trọc, khó ngủ có rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do áp lực tâm lý, con quá mệt mỏi hoặc con đang bị kích động mà thời gian để con thư giãn trước khi ngủ không đủ. Chất lượng của giấc ngủ cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi tâm trạng của trẻ trước khi ngủ.
Vì vậy phụ huynh hãy tập cho con thói quen lên giường sớm và có một số hoạt động giúp con thư giãn tinh thần trước khi ngủ như đọc truyện, nói chuyện tâm sự với con... Chỉ khi tâm trạng của con thật thoải mái, mọi vấn đề khúc mắc được giải quyết thì con sẽ có thể ngủ rất ngon mà không cần bất cứ lời la mắng, thúc giục nào từ bố mẹ.