Theo tư vấn của các bác sĩ, ngoài các thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc tiêu chảy, dị ứng, các thuốc điều trị bệnh nền (đang sử dụng) thì các loại dung dịch nhỏ mắt, mũi; dung dịch súc họng (nước muối sinh lý, Vitamin C, nước bù điện giải… cũng cần được chuẩn bị sẵn sàng trong tủ thuốc gia đình.
Trước khi vius SARS -CoV-2 cũng như các tác nhân khác xâm nhập xuống phổi và gây ra các biến chứng nguy hiểm thì phải đi qua vùng mũi họng, sinh sôi ở vùng hầu họng. Nếu bảo vệ tốt "chốt chặn" đầu tiên bằng cách vệ sinh mũi miệng, họng sẽ hỗ trợ phòng bệnh tốt hơn.
Lưu ý quan trọng khi vệ sinh mũi
Rửa mũi là một phương pháp hiệu quả trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp. Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM), việc rửa mũi bằng nước muối là việc làm rất tốt nhưng cần đảm bảo đúng cách nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Theo tư vấn của TS.BS. Nguyễn Nam Hà – chuyên khoa Tai mũi họng, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dung dịch dùng để chăm sóc mũi hàng ngày là nước muối sinh lý.
Sau khi rửa mũi bằng bình xịt, BS Hà khuyên cha mẹ cần cất bình xịt nơi khô ráo sau khi dùng. Cha mẹ cần lưu ý bình xịt là dụng cụ vệ sinh cá nhân, tránh dùng chung, nhất là trẻ em. Với người đang dương tính SARS-CoV-2, chỉ thực hiện xịt mũi ở phòng vệ sinh riêng, tránh làm phát tán giọt bắn khi hỉ mũi sau xịt mũi.
BSCK II Lê Nguyệt Minh- Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang - khuyến cáo, trong trường hợp không cần thiết, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ.
Bởi trong mũi, họng đều có một lượng dịch tự nhiên đủ để bôi trơn niêm mạc, có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.
Rửa mũi là một phương pháp hiệu quả trong phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp
Lạm dụng rửa mũi bằng nước muối sinh lý còn có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng nặng hơn do dụng cụ rửa mũi không được vô trùng. Mặt khác rửa mũi thường xuyên sẽ làm khô lớp chất nhầy có tác dụng giữ ẩm, sát khuẩn tự nhiên của niêm mạc mũi.
Những sai lầm khi vệ sinh miệng, họng phòng COVID-19
Nhấn mạnh về lợi ích của súc miệng, họng, TS Nam Hà cho biết, trong y văn thế giới cho thấy súc họng hàng ngày giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cảm lạnh, viêm hô hấp trên cấp; hỗ trợ điều trị bệnh răng – miệng.
"Trong mùa dịch COVID-19, nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy việc súc miệng, súc họng bằng chất khử khuẩn làm giảm số lượng virus ở hầu họng, giúp hạn chế sự phát tán virus giảm đi" – BS Nam Hà cho hay.
Súc miệng, họng bằng nước muối hay dung dịch sát khuẩn được nhiều gia đình áp dụng không chỉ trong mùa dịch.
Nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao nên đã pha rất mặn để súc miệng/súc họng hàng ngày, đây là một sai lầm thường gặp.
Nhiều người quan niệm pha nước muối súc họng càng mặn thì tính sát trùng, sát khuẩn sẽ càng cao nên đã pha rất mặn để súc miệng/súc họng hàng ngày, đây là một sai lầm
Thực tế, việc làm này vô tình gây tổn thương niêm mạc vùng họng khiến họng khô rát, thậm chí trầy xước, chảy máu. Chưa kể, với người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh thận dùng nước muối súc miệng/họng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, gần đây có thông tin truyền miệng rất sai lầm về khả năng diệt khuẩn phòng COVID-19 của rượu. PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, chuyên ngành Tai – Mũi – Họng thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay không phủ nhận là thành phần rượu có cồn, tuy nhiên nồng độ cồn để sát khuẩn phải từ 70 độ trở lên, và chỉ sát khuẩn bề mặt, trên da. Vì vậy khi uống rượu không thể ngậm rượu nồng độ cồn cao trong miệng để diệt virus, chưa kể khi đó virus đã ngấm vào trong tế bào.
Nồng độ cồn trong rượu cao còn có thể gây tổn thương niêm mạc, dẫn tới hậu quả ngược lại mong muốn là tạo đường vào tế bào dễ dàng hơn cho các loại vi khuẩn và virus tấn công, trong đó có SARS-CoV-2.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo có thể súc miệng bằng nước muối nhạt, ấm và các dung dịch sát khuẩn họng mỗi ngày để phòng chống lây nhiễm COVID-19.
Mọi người cần lưu ý súc họng và súc miệng hoàn toàn khác nhau. Nhiều người chỉ vệ sinh miệng chứ chưa vệ sinh họng. Súc họng là để dung dịch nước muối xuống tận sâu cổ họng và khò ngược lên, làm như vậy mới có tác dụng rửa sạch vùng họng.
Theo các bác sĩ, thời điểm súc họng hiệu quả nhất là khi vừa đi ngoài đường về, hoặc sau tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao; khi cảm thấy đau, rát, cộm, vướng, khó chịu ở vùng họng…
Việc tuân thủ nguyên tắc 5K và xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, uống đủ nước, vận động điều hoà thường xuyên, ngủ đủ giấc để nâng cao sức đề kháng phòng bệnh rất cần thiết.
Một biện pháp khác cũng liên quan đến vệ sinh mũi – họng là xông mũi họng.
Không ít gia đình cho rằng "xông mũi họng" sẽ giải quyết mọi vấn đề đường hô hấp liên quan COVID-19. Thực tế, đây là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, chứ không giết sạch virus, không nên lạm dụng. Bộ Y tế lưu ý không xông cho trẻ em.
Theo tư vấn của BS Nguyễn Hà My – Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội, cần giữ an toàn khi xông, tránh xông sát phần niêm mạc quá có khả năng gây bỏng rát niêm mạc mũi họng. Cùng đó, thời gian xông từ 10-15 phút; Không nên xông quá lâu.
Điều quan trọng khác là không nên xông các loại tinh dầu hay dầu nóng có tính cay nóng mạnh như tỏi, dầu gió, dầu cù là vì dễ gây nguy cơ bỏng rát đường hô hấp, cay mắt.