1. Nguyên nhân làm trẻ ho kéo dài
Ho kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ do phổi mà còn có thể do những bệnh ngoài phổi như viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh tim mạch, ho do thuốc, thậm chí do tâm lý... Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến bệnh lao và hen suyễn.
Tuỳ ở độ tuổi khác nhau mà các nguyên nhân gây ho kéo dài cũng khác nhau:
- Nếu như ở trẻ nhũ nhi thì ho kéo dài thường do nhiễm trùng (virus hô hấp, ho gà, nhiễm vi khuẩn không điển hình, lao...), hen phế quản, dị tật đường hô hấp, bệnh tim bẩm sinh, trào ngược dạ dày - thực quản.
- Đối với trẻ nhỏ ho kéo dài thường do các nguyên nhân là hen phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản, tăng mẫn cảm phế quản sau nhiễm virus đường hô hấp, dị vật đường thở bỏ quên.
- Ở trẻ lớn hơn ho kéo dài thường do nguyên nhân của các bệnh lao, hen phế quản, hội chứng chảy mũi sau, giãn phế quản, ho do tâm lý.
Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với nhiều nguyên nhân khác nhau.
2. Ho và cách nhận biết nguyên nhân
- Nếu trẻ ho có đờm thì nhiều khả năng có nguyên nhân ho dị ứng, hen…
- Nếu trẻ ho có cơn đỏ mặt thì nguyên nhân thường do ho gà, dị vật đường thở, ho do vi khuẩn không điển hình như Mycoplasma, Chlamydia….
- Nếu trẻ ho về đêm thường do các nguyên nhân viêm mũi xoang, hen…
- Nếu trẻ ho sau khi bú, sau khi ăn, ho khi nằm thường do các nguyên nhân của trào ngược dạ dày - thực quản.
- Nếu trẻ ho sau vận động - gắng sức ví dụ như nô đùa, chạy nhảy, leo cầu thang… thì ho do nguyên nhân bệnh hen.
- Nếu trẻ chỉ ho lúc thức mà không bao giờ ho lúc ngủ rất nhiều khả năng nguyên nhân gây ho do tâm lý.
Ho kéo dài thường do nhiều nguyên nhân khác nhau.
3. Cách chăm sóc trẻ ho tại nhà
Nhiều mẹ thấy trẻ ho thì rất lo lắng, câu hỏi đặt ra là trường hợp ho nào của trẻ có thể áp dụng cách trị ho và chăm sóc tại nhà. Ho có nhiều nguyên nhân, do đó nếu khi trẻ ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng trẻ vẫn ăn uống chơi đùa bình thường, không nôn ói thì cha mẹ có thể để trẻ ở nhà theo dõi và chăm sóc.
- Cha mẹ cũng nên cho trẻ uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi.
- Nấu cháo, súp để trẻ dễ ăn hơn.
- Theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên và ưu tiên sử dụng các thuốc thảo dược để làm giảm ho ở trẻ và tăng khả năng phòng ngừa đợt bệnh sau.
- Nếu trẻ đỡ ho và ăn uống vui chơi bình thường thì trẻ có thể khỏi bệnh trong vòng 1 tuần.
- Trường hợp ho ở trẻ cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị đó là những trường hợp trẻ ho có đờm, kéo dài do cảm lạnh, điều trị tại nhà không cải thiện cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại viện.
Tất cả các nguyên nhân gây ho ở trẻ không do cảm lạnh đều phải đến khám và nhận ý kiến tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa, như ho gà, viêm nhiễm khuẩn hô hấp, trào ngược dạ dày…
Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho của trẻ để chăm sóc cho trẻ hiệu quả.
4. Trẻ ho kéo dài khi nào cần nhập viện?
Câu hỏi của nhiều cha mẹ đặt ra nếu trẻ ho kéo dài khi nào cần phải tới khám bệnh. Trước hết cần lưu ý khi trẻ có tình trạng ho kéo dài đều nên được đi khám và xét nghiệm đầy đủ để xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như: Trẻ ho có kèm theo các biểu hiện khó thở, ho ra máu, ho khởi phát đột ngột sau khi trẻ ăn hay chơi (gợi ý dị vật đường thở). Ho kèm sốt cao, ho khạc đờm đặc, màu xanh - vàng, có mùi hôi… cần phải đưa trẻ đi khám ngay.
Những trẻ có một số triệu chứng gợi ý các nguyên nhân đặc biệt khác như: Ho có đờm kéo dài, thở khò khè (gợi ý hen suyễn), ho kèm sụt cân, đổ mồ hôi về chiều (gợi ý lao), khó ăn/bú - khó nuốt… cũng cần đi khám càng sớm càng tốt.
Tóm lại: Khi trẻ bị ho, cha mẹ không nên quá lo lắng mà cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho của trẻ để chăm sóc cho trẻ hiệu quả. Nhiều khi trẻ chỉ đơn thuần là ho gió, ho cảm chút xíu thì không sao, có thể để cho trẻ ho vì ho này chỉ là bộc phát, sẽ rất nhanh khỏi.
Và điều quan trọng, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc điều trị ho cho trẻ khác nhau, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc ho điều trị cho trẻ, nhất là không dùng thuốc ho của người lớn cho trẻ em. Vì nếu dùng không đúng và dùng các thuốc có chứa chất an thần, chất kháng Histamine, Corticoid... sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong đó có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, phổi và tim mạch của trẻ...
Trong trường hợp trẻ bị ho không đỡ ngày một nặng, ho kèm theo các biểu hiện bất thường… phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được khám và điều trị.