Lác mắt là tình trạng thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng tới vấn đề thẩm mỹ. Khi phát hiện ra các dấu hiệu lác mắt, nếu đưa bé đi khám và chữa trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao.
1.Cách nhận biết trẻ lác mắt
Lác mắt là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em, cũng có thể gặp ở người lớn. Bệnh có thể di truyền trong gia đình, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị lác không có tiền sử gia đình có người bị lác.
- Lác trong: Lác trong tức là mắt nhìn lệch vào trong, là dạng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Trẻ nhỏ bị lác trong không thể nhìn đồng thời bằng cả 2 mắt. Lác trong do điều tiết là loại lác trong hay gặp nhất, xảy ra ở trẻ em, thường là 2 tuổi hoặc hơn. Với loại lác này, khi trẻ tập trung 2 mắt để nhìn rõ vật thì 2 mắt sẽ nhìn vào trong. Sự di chuyển hướng nhìn này có thể xảy ra khi tập trung nhìn vật ở khoảng cách xa, ở gần, hoặc cả hai.
- Lác ngoài tức là mắt nhìn hướng ra ngoài, là một dạng khác của lác. Nó hay xuất hiện khi trẻ tập trung nhìn vật ở xa. Lác ngoài có thể chỉ xảy ra theo thời điểm, đặc biệt khi trẻ đang mơ màng, yếu hay mệt mỏi. Bố mẹ thường quan sát thấy các con liếc mắt một bên khi nhìn vật dưới ánh sáng mặt trời.
Để xác định bé có bị lác hay không, cha mẹ có thể quan sát kỹ xem bé có các biểu hiện như:
Bé hay nheo mắt khi nhìn hoặc phải liếc mắt nhìn những vật thể đặt ngay phía trước.
Khi đứng đối diện và mắt nhìn vào bé, nếu thấy hai mắt bé có biểu hiện nhìn bạn không đối xứng thì rất có thể bé đã bị lác.
Đưa cho bé một món đồ chơi bất kỳ mà bé thích, quan sát kỹ xem khi bé chăm chú nhìn món đồ chơi đó, mắt bé có bị lệch sang một bên hay không.
Dùng tay che một bên mắt của bé lại rồi làm tương tự với bên còn lại, hãy quan sát xem khi bạn bỏ tay ra con ngươi của bé có di chuyển bình thường hay không.
Hướng dẫn và cho bé xếp thẳng hàng dọc hai chiếc bút chì, nếu việc này gây ra khó khăn cho bé thì mắt bé đang có vấn đề.
Lác mắt là bệnh có thể điều trị được
2. Lác mắt có phẫu thuật được không?
Lác mắt có thể điều trị được, trẻ có thể phẫu thuật và đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt. Tuy nhiên, chỉ định mổ lác sớm hay muộn tùy thuộc vào mức độ tổn hại chức năng thị giác 2 mắt và dạng lác. Ở Việt Nam, phẫu thuật cho trẻ sớm nhất từ 18 đến 22 tháng tuổi ở cơ sở y tế có chuyên khoa mắt và đầy đủ các phương tiện gây mê hồi sức tốt.
Phẫu thuật lác không ảnh hưởng thị lực trước đó của bệnh nhân. Các biến chứng do mổ lác mắt có thể gặp như tụ máu gây đỏ mắt, sưng phù kết mạc (lòng trắng mắt) hoặc mi mắt. Những biến chứng này có thể điều trị hết mà không để lại di chứng.
Chính vì vậy, cần cân nhắc trước khi quyết định. Đầu tiên, phẫu thuật điều trị lác mắt chỉ có thể tiến hành khi trẻ từ 2 tuổi trở lên, lúc này cơ mắt đã ổn định. Trường hợp lác mắt mà con ngươi hướng ra ngoài thì thời gian phẫu thuật chậm hơn, cần thử các phương pháp điều trị khác nếu không hiệu quả mới phẫu thuật khi trẻ 4 - 5 tuổi.
Phẫu thuật có thể điều trị lác mắt hoàn toàn, tuy nhiên, trẻ cần được điều trị vào thời điểm thích hợp. Nếu lác mắt bẩm sinh kéo dài đến khi trưởng thành, phẫu thuật điều trị có thể không đạt hiệu quả tốt, do điều chỉnh dây thần kinh thị lực khó khăn cũng như các tật xấu khác của mắt cũng khó điều trị.
Tuổi cần được kiểm tra, phát hiện và chữa mắt lác tốt nhất là tuổi mẫu giáo, từ 2 đến 6 tuổi. Vì kết quả phục hồi chức năng thị giác tùy thuộc vào quá trình can thiệp sớm hay muộn. Bắt đầu điều trị khi tuổi của trẻ càng bé thì càng dễ phục hồi. Nếu được chữa trị trước 3 - 4 tuổi, kết quả sẽ được 92%, 6 - 8 tuổi được 62% và trên 10 tuổi chỉ còn 18%.
Hiệu quả điều trị phụ thuộc thời gian bị lác lâu hay mới, với bệnh càng lâu, thành cố tật, càng khó phục hồi. Phụ thuộc vào kiểu định thị, tức là tính chất của bệnh cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả điều trị mắt lác.
Nếu lác mắt xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác sẽ làm cho thị giác kém phát triển.
3. Các phương pháp điều trị lác
Tùy theo từng trường hợp lác, sẽ áp dụng một hoặc kết hợp các phương pháp sau:
+ Tập qui tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều lác.
+ Đeo kính khi lác do quy tụ điều tiết hay kèm tật khúc xạ.
+ Che mắt khi mắt lác bị nhược thị.
+ Phẫu thuật: Là điều chỉnh các cơ vận nhãn nhằm đưa 2 mắt về thẳng trục.
Lác mắt hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, mức độ phục hồi và mục tiêu điều trị đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, thời gian mắt lác bao lâu. Đối với nhãn khoa, mục tiêu chính của điều trị lác là để có thị giác 2 mắt tốt nhất, giúp bệnh nhân nhìn được hình ảnh 3 chiều và có sự thuận lợi trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công việc...
Đối với trẻ em, khả năng lấy lại thị giác cao hơn người lớn tuổi và mức độ hồi phục tốt nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ bị lác mắt, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.
Lác mắt hoàn toàn có thể điều trị được, khi trẻ được phẫu thuật sẽ đạt được hiệu quả điều trị bệnh tốt.
Tóm lại: Trẻ em bị lác mắc không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu lác xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác sẽ làm cho thị giác kém phát triển, có thể gây nhược thị mất khả năng nhìn bằng hai mắt, do đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như không thể làm một số nghề nghiệp đòi hỏi thị giác hai mắt tốt.
Do vậy, khi trẻ sinh ra cần quan sát. Nếu thấy trẻ nhìn ngang, nhìn ngửa, nhìn không cân bằng thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. Việc nhận biết lác không khó, cái chính là trẻ cần nhận được sự quan tâm của bố mẹ, tránh những trường hợp mù đáng tiếc.