Vitamin A
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin A giúp cho hệ thống miễn dịch không hoạt động quá mức và tránh gây viêm.
Vitamin A tồn tại ở hai dạng: Beta-carotene, là một tiền chất giúp chuyển đổi vitamin A trong cơ thể và vitamin A cũng là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Một chế độ ăn giàu beta-carotene và vitamin A có thể giúp giảm viêm.
Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm cà rốt, cải xoăn, rau lá xanh thẫm, cải bó xôi và nhiều loại rau lá khác.
Vitamin B
Những người có lượng vitamin B6 thấp sẽ có lượng protein phản ứng C (CRP) cao – đây là một hợp chất khác cũng góp mặt trong quá trình viêm, đặc biệt là trong các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Để giảm viêm và tăng vitamin B6, hãy bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm giàu vitamin B như cải xoăn, ớt chuông và nấm, dưa vàng, cá ngừ và thịt gia cầm.
Một nghiên cứu của Ý cho thấy bổ sung axit folic (folate – một loại vitamin B khác) với liều thấp hàng ngày và trong thời gian ngắn có thể giúp giảm viêm.
Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm đậu đen, rau lá xanh đậm, măng tây và gan.
Vitamin C
Vitamin C vốn đã rất nổi tiếng với chức năng hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể loại bỏ các gốc tự do gây viêm. Vitamin C cũng giống như vitamin B, có thể giúp giảm lượng protein phản ứng C. Tuy có thể bổ sung vitamin C bằng thực phẩm chức năng, nhưng nên ưu tiên bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống.
Để bổ sung thêm vitamin C từ chế độ ăn, hãy ăn nhiều loại trái cây và rau quả, có chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Vitamin D
Từ lâu, các nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa lượng vitamin D thấp trong cơ thể và một loạt các bệnh viêm nhiễm. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng cho biết rằng cải thiện vitamin D có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
Một báo cáo của The Journal of Immunology cho thấy có những chất nhất định cùng những đường truyền tín hiệu trong quá trình chuyển hóa đóng vai trò quan trọng trong khả năng kháng viêm của vitamin D. Hơn nữa, những người bị thiếu hụt vitamin D thấp chắc chắn nên uống bổ sung vitamin D.
Vitamin D có sẵn trong tự nhiên từ ánh nắng mặt trời, nhưng không phải ai cũng có thể tổng hợp được đủ lượng vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Nếu bạn nghi ngờ mình bị thiếu hụt vitamin D thì nên đi khám để được bổ sung vitamin D phù hợp.
Các nguồn thực phẩm tốt nhất chứa vitamin D là cá, lòng đỏ trứng, thịt nội tạng và sữa.
Vitamin E
Vitamin E cũng là một loại vitamin có tính chống oxy hóa, có thể làm giảm viêm. Kết quả phân tích các nghiên cứu đã cho thấy vitamin E có đặc tính chống viêm và có hiệu quả khi bổ sung cho những người đang mắc các bệnh lý liên quan đến viêm.
Vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong các loại hạt, bao gồm hạnh nhân và hạt hướng dương. Nhiều loại trái cây và rau quả cũng rất giàu vitamin E như quả bơ và cải bó xôi.
Vitamin K
Một báo cáo trên tạp chí Metabolism cho thấy vitamin K có thể làm giảm các dấu hiệu viêm, giúp đông máu và bảo vệ sức khỏe của xương. Mặc dù vitamin K cần thiết cho sức khỏe của xương, nhưng hầu hết mọi người không bổ sung đủ chất này từ chế độ ăn uống. Đàn ông trưởng thành nên đặt mục tiêu dung nạp khoảng 120 microgam (mcg) vitamin K mỗi ngày, phụ nữ thì nên bổ sung 90 mcg vitamin K mỗi ngày.
Có hai loại vitamin K: Vitamin K1 và K2.
Vitamin K1 được tìm thấy trong các loại rau lá, bao gồm cải xoăn, cải bó xôi, bông cải xanh và bắp cải, trong khi K2 được tìm thấy trong thịt gà, gan và trứng