Viêm tiểu phế quản là bệnh nguy hiểm liên quan tới đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm tiểu phế quản đặc biệt là virus hợp vô bào RSV (Respiratory syncitial virus). Đây là loại virus có khả năng lây lan rất cao và có thể phát triển thành dịch.
Trẻ bị mắc viêm tiểu phế quản thường có những biểu hiện giống như cảm thông thường nên nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nặng như bội nhiễm vi trùng, suy hô hấp cấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa, ... Trẻ càng nhỏ khi nhiễm bệnh càng khó phát hiện và điều trị, và có thể gặp nhiều biến chứng.
Có nên cho trẻ uống thuốc ho không?
Trung bình, mỗi trẻ em dưới 18 tháng tuổi sẽ trải qua 1-2 lần bị viêm tiểu phế quản. Ho là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất khi trẻ bị mắc viêm tiểu phế quản. Trẻ thường gặp phải những cơn ho dai dẳng kéo dài. Với mong muốn giúp trẻ cắt đứt những cơn ho thì rất nhiều phụ huynh đã không ngần ngại cho trẻ sử dụng thuốc ho. Chuyên gia nói gì về hành động này?
Trung bình mỗi trẻ em dưới 18 tháng tuổi sẽ bị viêm tiểu phế quản 1-2 lần.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: "Khi bé được chẩn đoán là mắc viêm tiểu phế quản thì bác sĩ sẽ kê đơn cho các loại thuốc giảm sốt (nếu trẻ sốt), thuốc nhỏ mũi, nếu như trẻ có tình trạng bội nhiễm thì bác sĩ sẽ cho thêm thuốc kháng sinh, thuốc ho thảo dược. Phụ huynh cần chú ý việc lựa chọn và sử dụng thuốc ho cho trẻ dưới 18 tháng tuổi rất khó khăn và cần có chỉ định của bác sĩ".
Vệ sinh đường thở cho trẻ như nào là đúng?
Sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, thở khò khè cũng là những dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị viêm tiểu phế quản. Một trong những cách giúp trẻ có được quá trình hô hấp nhẹ nhàng mà phụ huynh thường chọn đó là vệ sinh đường thở, hút đờm cho trẻ. Vậy quá trình này nên thực hiện như thế nào là an toàn cho trẻ nhỏ, hợp khoa học?
"Việc rửa mũi, vệ sinh mũi cho trẻ cần đặc biệt cẩn thận, trẻ càng nhỏ càng phải thận trọng. Thực tế quá trình này cũng không góp phần làm cho mũi trẻ sạch hơn so với phương pháp nhỏ mũi. Bên cạnh đó phương pháp rửa mũi cũng có nguy cơ làm trầy xước niêm mạc mũi. Vậy nên phụ huynh không nên thực hiện phương pháp này cho trẻ. Có thể sử dụng nước muối sinh lý, không nên dùng những loại thuốc nhỏ mũi cho người lớn gây co mạch" - bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản cần chú ý những gì?
Virus RSV gây ra bệnh viêm tiểu phế quản có thể lây nhiễm thông qua nhiều đường như mắt, mũi, miệng và thông qua giọt bắn. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị virus RSV vậy nên chúng ta cần hết sức cẩn thận để tránh mắc phải bệnh viêm tiểu phế quản.
Trẻ mắc viêm tiểu phế quản cần được theo dõi cẩn thận và cung cấp đủ nước, dinh dưỡng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên rằng khi trẻ bị viêm tiểu phế quản việc quan trọng nhất đó là cung cấp nước và dinh dưỡng cho trẻ. Có thể cung cấp thông qua sữa và nước. Nếu như không cung cấp được đủ nước thì đờm sẽ khô lại và làm tắc các phế quản nhỏ khiến cho trẻ khó thở và tình trạng bệnh nặng hơn. Trong trường hợp trẻ biếng ăn, bỏ bú thì cũng nên chăm sóc, chia thành các bữa nhỏ để cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho bé.
Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ sinh non, thiếu cân có sức đề kháng còn yếu, virus dễ tấn công vậy nên, ngay khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở ngắn, thở nông, thở nhanh, khò khè nhiều, bỏ bú, giảm tri giác, sốt, tím tái thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nhanh nhất để được hỗ trợ, hạn chế trẻ bị các biến chứng nguy hiểm về sau.
Có một số trẻ còn có tình trạng thở khò khè ngay cả khi đã khỏi bệnh. Tình trạng này có thể kéo dài từ 7-10 ngày nhưng phụ huynh không cần quá lo lắng, tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc long đờm hay bất cứ thuốc gì khác. Việc sử dụng thuốc không đúng, không hợp lý và không có sự hướng dẫn của bác sĩ có thể làm tình trạng của trẻ chuyển biến xấu.