Vì sao bé hay mút tay?
Trẻ hay mút tay có nhiều lý do, mút tay biểu hiện cho thấy trẻ đang đói. Và điều này làm trẻ cảm thấy dễ chịu. Trẻ được kích thích như tìm lại cảm giác của bầu sữa mẹ, như đang được gần mẹ.
Theo các nhà nghiên cứu, mút tay mang đến cho một số trẻ cảm giác an toàn trong những giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, khi trẻ bị tách rời với bố mẹ, bị những người xa lạ bao quanh, hoặc ở trong một môi trường không quen thuộc.
70-90% bé có thói quen mút ngón tay cái, nhưng hầu hết sẽ tự động bỏ lúc 3-5 tuổi.
Mút tay mang đến cho trẻ cảm giác an toàn trong những giai đoạn khó khăn
Mút tay tạo cho trẻ sự thư giãn và giúp trẻ dễ ngủ hơn. Đa phần trẻ sau 4 tuổi sẽ tự động bỏ mút tay. Nhưng bé từ 4 tuổi – 6 tuổi vẫn mút tay, thì bắt đầu có nguy cơ ảnh hưởng đến xương hàm trên và răng.
Những bé mút ngón cái nhiều có thể có bất thường ở bộ răng sữa của chúng. Bé nào mút tay lâu quá thì xương hàm trên sẽ bị hô, răng giữa 2 hàm sẽ bị hở. Cần được can thiệp khí cụ để bé bỏ hẳn tật này.
Trường hợp nhẹ thì khi bỏ thói quen mút tay, răng 2 hàm về lại vị trí bình thường. Trường hợp nặng cần can thiệp bằng chỉnh nha.
Bé mút tay cha mẹ cần làm gì?
Khi bé có thể đưa ngón tay vào miệng, chứng tỏ cơ quan điều khiển sự vận động và các cơ bắp của bé có thể phối hợp theo ý muốn. Từ 2 – 3 tháng tuổi, bé bắt đầu có thói quen mút tay.
Khi bé mút tay chính là dấu hiệu về sự phát triển trí lực. Mút tay cũng là một cách để bé vừa học vừa chơi, lúc đầu bé sẽ đưa cả bàn tay vào miệng rồi dần dần đưa 3 ngón tay, 2 ngón tay và cuối cùng khi não bộ phát triển đến mức độ cao hơn thì bé sẽ chỉ đưa 1 ngón tay vào miệng mà thôi.
Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, mút tay cũng là một cách để bé vừa học vừa chơi.
Hành động mút tay ở bé dưới 2 tuổi là dấu hiệu cho biết não bộ của bé đang phát triển và bắt đầu tìm tòi thế giới xung quanh.
Bản năng bú mút tự nhiên khiến bé thường mút tay trong những tháng đầu đời, thậm chí từ trước khi sinh. Bé có thể mút ngón tay, bàn tay, bàn chân hoặc những phần khác của cơ thể. Tuy nhiên sau 6 tháng đầu tiên, phản xạ bú mút sẽ giảm.
Trẻ mút tay có cần can thiệp không?
Đây là câu hỏi khiến nhiều mẹ băn khoăn và cũng có nhiều quan điểm trẻ mút tay không ảnh hưởng gì. Nhưng trên thực tế, bé mút ngón tay sẽ không đảm bảo vệ sinh và là nguồn bệnh lây truyền qua đường miệng như bệnh tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hoá...
Một số trẻ ngậm ngón tay quá sâu khiến trẻ dễ bị nôn trớ, nhất là sau khi ăn uống. Còn ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay, răng và hàm.
Mút tay sẽ không đảm bảo vệ sinh và là nguồn bệnh lây truyền qua đường miệng
Da ngón tay bị tổn thương, lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào dưới da, gây viêm da mủ.
Ngoài ra, mút tay nhiều, lâu ngày, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường: Thậm chí biến dạng răng và hàm; Miệng trẻ trở nên hô (do răng và hàm bị đẩy ra ngoài) hay móm (do một hàm bị đưa vào trong);Lệch khớp cắn; Rối loạn phát âm…
Để cải thiện tình trạng mút tay của bé, có nhiều cách để hạn chế tật này, đơn giản nhất là giặt sạch và luộc 1 chiếc khăn xô để bạn ấy tự cầm nắm và mút mát thoả thích.
Ngoài ra, để trẻ "phân tâm" khi đang mút tay bằng những trò chơi do mẹ tự nghĩ ra.
Khi trẻ bước qua giai đoạn nhũ nhi và bắt đầu đến 1 tuổi thì mẹ mới từ từ cai dần ngón tay cho trẻ.
Chịu khó tìm cách động viên, khích lệ trẻ, những lúc không mút tay cũng mang lại hiệu quả giảm dần rồi tự hết.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp như băng kín hay mang găng che tay trẻ… nhằm làm giảm hứng thú mút tay cũng có hiệu quả nhất định.
Với trẻ lớn, cần được giải thích lồng ghép trong tác hại của những thói quen kém vệ sinh, nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay sạch, cắt móng tay, vệ sinh da để tránh lây bệnh.
Theo suckhoedoisong.vn