Việc trẻ thiếu tập trung trong học tập ở trường hay ở nhà cũng là một trong những điều khiến cha mẹ phải đau đầu. Thử tưởng tượng con bạn nghe cô giáo giảng bài nhưng không hiểu gì. Về nhà, bạn nói trước, bé quên sau. Tất cả cũng chỉ bởi tâm trí bé bị xao nhãng bởi những việc khác, không thể tập trung trí óc và bé chưa biết cách ghi lại tất cả những điều mới mẻ vào trí nhớ.
Không chỉ phụ thuộc vào IQ, việc tập trung, ghi nhớ những bài học hay điều mới cũng đòi hỏi ở bé nhiều kỹ năng. Cần nhất là bé nỗ lực “tự thân vận động”. Nếu bé không thích, không muốn, không ai có thể ép bé học tốt hơn.
Tạo môi trường: Trước khi bé học, hãy xem xét toàn cục xem bé đã đủ hết những gì bé cần chưa như dụng cụ học tập, sách vở. Chỗ ngồi bé có thoải mái không, bé có đang cảm thấy khó chịu trong người không, bé có đang buồn ngủ, đói bụng… Điều này có thể thực hiện tốt ở những giờ học tại nhà. Còn nếu bé ở trường, cha mẹ nên nhờ thầy cô giáo lưu ý đến bé nếu bé có dấu hiệu không tập trung.
Lập mục tiêu: Có thể rèn luyện khả năng tập trung của bé bằng cách lập một mục tiêu và một khoảng thời gian cụ thể và cho bé thực hiện lặp đi lặp lại. Ví dụ trong 10 phút, bạn dạy bé đếm từ 1 đến 10, rồi bảo bé lập lại và xem xét khả năng của bé để giúp bé cải thiện từ từ.
Sự vui nhộn: Nếu bé không thích học thì cần xem lại phương pháp dạy có quá khô khan, nhàm chán hay không. Trẻ con thích màu sắc, âm thanh vui tai và sự vui nhộn. Hãy thêm vào những phần minh họa sống động để trẻ thích thú và ghi nhớ. Các trò chơi giải đố kích thích sự suy nghĩ của bé luôn bổ ích.
Tạo động lực: Hãy cho bé quyền chủ động trong việc học để bé cảm thấy rằng học hành là việc của chính bản thân bé chứ không phải là điều chỉ có bố mẹ muốn. Ví dụ, nếu muốn bé học đánh vần, hãy tìm một cuốn truyện có hình ảnh, màu sắc rất đẹp và bảo bé rằng đây là một cuốn truyện rất hay. Nếu bé biết đọc, bé có thể thưởng thức nó.
Tinh thần học tập: Hãy nói với trẻ rằng bé sẽ không bị xấu hổ hay bị chế nhạo nếu học tập không tốt mà thành quả học tập là để cho chính bé được sử dụng nó như việc đếm số, biết đọc chữ… Tránh so sánh bé với bạn bè mà chỉ cần khuyến khích bé nỗ lực hết sức mình.
Kể chuyện: Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện ngụ ngôn con nhện tập leo tường, mỗi lần nó té ngã, nó đều leo lên lại từ đầu để rồi mới giăng được mạng nhện. Hay tìm những hình ảnh minh họa ngoài đời thực cho bé thấy sự thành công chỉ đến từ nỗ lực. Quan trọng là bé không được nản chí. Nếu làm gì thất bại, hãy bắt đầu lại.
Kiên nhẫn: Kiên nhẫn bao giờ cũng là đức tính quý giá và cần thiết nhất trong việc giáo dục cho một đứa trẻ. Cha mẹ không nên nóng giận khi thấy bé chậm tiếp thu bài học. Đừng bao giờ nói với trẻ những câu như: “Con thật hết thuốc chữa”, “Thua con rồi” và bỏ mặc trẻ. Trẻ sẽ bị tổn thương và tự cho mình không có khả năng vì cha mẹ không tin tưởng chúng.
Kiên nhẫn luôn là đức tính được đề cao hàng đầu trong việc dạy con
Tự hào: Dù trẻ có như thế nào, cha mẹ hãy tự hào về trẻ và giúp trẻ tự tin vào chính bản thân mình. Giúp trẻ có cái nhìn tích cực, lối sống lạc quan. Đừng quên khen ngợi khi trẻ nỗ lực hay đạt được thành tựu.
Thư giãn: Nếu trẻ mệt mỏi, căng thẳng, cha mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, không nên để trẻ quá cố sức suy nghĩ sẽ phản tác dụng và việc học sẽ trở thành cơn ác mộng, ám ảnh khiến bé khó phát triển.
Cha mẹ cũng nên đề ra những mục tiêu trong khả năng và treo giải thưởng để giúp bé có thêm động lực vươn lên. Dạy con là cả một nghệ thuật, cha mẹ tốt nhất nên cho con động lực, sự mạnh mẽ, tự tin vào bản thân để làm hành trang sau này con bước vào đời.