Khi ăn uống, nếu trẻ có 3 thói quen này, mọi người sẽ không thích, khi lớn lên sẽ khó hòa đồng với người khác.
1. Chỉ chăm chăm ăn món mình thích
Có một cậu bé có thói quen là người đầu tiên chạy tới bàn ăn. Nếu có món mình thích, cậu bé nhanh chóng lấy rồi đặt trước mặt mình.
Vào một hôm họ hàng tới chơi, trong đó có vài đứa trẻ trạc tuổi cậu bé. Những đứa trẻ này muốn ăn món cậu bé thích nhưng cậu giữ khư khư để không ai lấy được.
Trước hành vi này, người lớn xung quanh khuyên nhủ cậu bé nên biết chia sẻ cho mọi người nhưng cậu không chịu, vừa ôm đĩa thức ăn vừa khóc lóc. Nhìn cảnh này, cha mẹ của cậu bé chỉ biết nói xin lỗi mọi người.
Tuy người lớn có thể bỏ qua, không chấp nhặt trẻ con nhưng rõ ràng họ không hài lòng trước cách hành xử này của cậu bé kia.
Vì là đứa con duy nhất nên mọi người trong gia đình yêu thương cậu vô điều kiện, có món ngon gì cũng để dành cho cậu hết.
Khi ăn cơm, người mẹ thường nấu những món cậu thích, mọi người cũng không dám động đũa vào món đấy, sợ cậu khóc lóc giận hờn bỏ ăn.
Việc chiều chuộng con cái như vậy khiến trẻ hình thành tính ích kỷ. Chúng sẽ cảm thấy rằng, chỉ cần đó là thứ mình thích, không ai có thể giành được.
Tính cách không biết chia sẻ, ích kỷ này thường bị người khác ghét bỏ, không ai muốn chơi cùng.
2. Bới tung đồ ăn lựa thứ mình thích
Một trường hợp khác phải kể tới những đứa trẻ thích bới tung đồ ăn trong đĩa, tìm thứ mình thích.
Chẳng hạn như đó là đĩa thịt xào rau củ, trẻ sẽ bới tìm thịt để ăn, chỉ chừa lại rau củ cho người khác.
Việc xới tung đồ ăn như vậy khiến cho thức ăn trở nên hỗn độn, nguội lạnh, trông rất mất thẩm mỹ.
Không chỉ có những đứa trẻ mới có hành động này, trong cuộc sống đôi khi người lớn cũng làm điều tương tự.
Thực ra, họ không cố ý làm điều này, chỉ là họ không nhận ra hành động của mình sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Thói quen bới tung đồ ăn như vậy thường hình thành khi trẻ còn nhỏ nhưng không được cha mẹ chỉnh đốn, gây phiền phức cho người khác.
Việc trẻ chỉ ăn thứ mình thích không phải vấn đề lớn, nhưng việc bới tung như vậy rất thô lỗ và bất lịch sự. Nếu trẻ có thói quen xấu này, chúng dễ bị người khác không thích sau này.
3. Chen ngang khi người khác đang gắp thức ăn
Có một số đứa trẻ cứ nhằm lúc người khác đang gắp thức ăn là mình cũng với tay gắp theo, gây cản trở và bất tiện.
Trẻ có thể không cố ý nhưng hành vi này sẽ gây bất tiện và thậm chí khiến người khác xấu hổ.
Nếu ở nhà thì điều này cũng không sao, nhưng thói quen này diễn ra ở nơi có nhiều người, hoặc chỗ làm việc sau này, người khác sẽ nghĩ đó là một hành vi thô lỗ, bất lịch sự, thậm chí là ích kỷ và phớt lờ cảm xúc của người khác.
Vì vậy, tốt nhất trẻ không nên hình thành thói quen như vậy.
Cha mẹ dạy con hình thành thói quen ăn uống như thế nào?
Trẻ cần được học những phép tắc cơ bản trên bàn ăn, hình thành thói quen tốt, nhất là 3 điều dưới đây:
- Đợi cho đến khi mọi người vào bàn ăn rồi cùng nhau ăn
Đợi mọi người đông đủ rồi cùng nhau ăn là cách thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người, nhất là người nấu.
Vì người nấu ăn thường tới sau cùng, nếu dọn dẹp xong mới tới ngồi và thấy mọi người đã ăn hết một nửa, họ sẽ cảm thấy như thế nào?
Đặc biệt là trẻ em, nếu thấy đồ ăn được dọn lên ngay lập tức cầm đũa sẽ bị mọi người đánh giá là thiếu giáo dục.
Trẻ cần được dạy phải biết chờ đợi mọi người, hơn nữa còn nuôi dưỡng sự đồng cảm.
Ngoài ra, trước sự cám dỗ của thức ăn, trẻ có thể kiểm soát bản thân và thực hiện khả năng tự chủ của mình.
Một người có khả năng tự chủ có thể kiểm soát bản thân khi đối mặt với các cám dỗ trong cuộc sống.
- Đừng chỉ chăm chăm ăn mỗi một món mình thích
Ngày nay, cha mẹ rất chú ý đến chế độ dinh dưỡng cân bằng, trẻ cần ăn thịt cá xen kẽ với nhau, có như thế cơ thể mới khoẻ mạnh.
Trẻ em thường thích ăn thịt hơn rau, nó không có lợi cho sự phát triển thể chất mà còn hình thành thói quen xấu.
Nếu chỉ tập trung ăn mỗi một món nào đó quá ngon mà không chia sẻ cho người khác, trẻ dễ nảy sinh tính ích kỷ. Cha mẹ cần chỉnh đốn hành vi này của trẻ ngay lập tức.
- Kiên nhẫn chờ người khác gắp thức ăn xong
Khi người khác đang gắp thức ăn, trẻ cần học cách chờ đợi họ gắp xong thì mới tới lượt mình.
Nếu vô tình trẻ làm vậy, cha mẹ cũng không nên trách mắng thẳng trẻ trước mặt mọi người. Điều này sẽ khiến chúng cảm thấy xấu hổ và muốn rời khỏi bàn ăn.
Trong trường hợp trẻ có hành vi thô lỗ lúc ăn, cha mẹ nên nhắc nhở nhẹ nhàng, trẻ sẽ hiểu ngay vấn đề.
Tóm lại, cách cư xử trên bàn đôi khi có thể phản ánh tính cách của một người cũng như sự giáo dục của một người. Dù ăn là chuyện nhỏ nhưng nó lại rất quan trọng.