“Trên những nẻo đường của tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…” Mỗi lần nghe giai điệu rộn ràng, vui tươi, lời ca sâu lắng ca ngợi vẻ đẹp của nhà giáo nhân dân, tôi lại nghĩ ngay bài ca ấy, lời ca ấy như viết về cô Lê Thị Thúy Hồng – Phó trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Gia Lâm - Một nhà giáo năng động, tâm huyết, sáng tạo. Mỗi câu từ của lời ca như ca ngợi, tôn vinh người lãnh đạo – thủ lĩnh của các trường mầm non huyện Gia Lâm chúng tôi.
Sinh ra và lớn lên tại Dương Xá - mảnh đất quê hương hiếu học của Bà Nguyên Phi Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Ngay từ khi còn nhỏ cô đã luôn ấp ủ trong lòng hoài bão, ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn, thế rồi cùng với những cố gắng nỗ lực say mê học tập của cô, năm 1987 cô đã thi đỗ vào trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm miệt mài đèn sách cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trên tay, cô thật hạnh phúc khi đã toại nguyện ước mơ. Thời gian đầu, cô được phân công giảng dạy tại trường THCS Lệ Chi. Năm 1993, cô chuyển về công tác tại trường THCS Dương Xá. Với tài năng và lòng yêu nghề, sự tâm huyết sau gần 10 năm làm cô giáo được sự tín nhiệm của Hội đồng sư phạm nhà trường, cô đã vinh dự được Đảng và nhà nước giao cho trọng trách làm Phó hiệu trưởng nhà trường. Năm 2012, cô được phân công làm Phó giám đốc trung tâm chính trị Huyện Gia Lâm. Không dừng lại ở đó năm 2015, cô được giao trọng trách làm Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm- phụ trách bậc học mầm non. Là một giáo viên dạy văn giờ lại được giao trọng trách quản lý chỉ đạo một bậc học nhỏ nhất trong các bậc học của Hệ thống giáo dục Quốc dân. Công việc vừa mới mẻ, vừa không đúng chuyên ngành, nhưng với lòng say mê yêu nghề, mến trẻ. Dù với vai trò và trách nhiệm khác nhau, cô không sợ khó, không sợ khổ, cô sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Mặc dù đã công tác trong ngành giáo dục nhiều năm nhưng giờ đây công việc của cô trở lại như ban đầu mới vào nghề. Cô lao vào việc học tập, tham gia các lớp tập huấn, dự giờ thăm lớp các nhà trường để nắm được nội dung, phương pháp, đặc điểm, đặc thù của giáo dục mầm non, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi để tìm ra những giải pháp và chỉ đạo theo định hướng đúng đắn nhất. Với gần 8 năm chỉ đạo ngành mầm non của huyện nhà, cô đã dẫn dắt, định hướng 27 trường mầm non luôn đạt thành tích xuất sắc hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Khi cô mới nhận nhiệm vụ, số trường có nhiều điểm lẻ còn nhiều, toàn huyện mới có 7 trường đạt trường chuẩn Quốc gia. Tâm huyết với nghề, cô đã cùng với lãnh đạo Phòng giáo dục và Đào tạo tham mưu tích cực với UBND huyện Gia Lâm đầu tư xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các nhà trường, đặc biệt chú trọng tham mưu, phối hợp với các đồng chí lãnh đạo địa phương dành quỹ đất cho các trường mầm non xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đến năm 2022, cô đã cùng lãnh đạo phòng, lãnh đạo địa phương tham mưu, chỉ đạo xây dựng được 24/27 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó, có 7 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Các trường học đã được xây dựng đầy đủ phòng học, phòng chức năng, được trang bị đồ dùng, đồ chơi tạo điều kiện cho các cháu mầm non trong huyện được học trong những ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, cô còn có những định hướng đúng đắn, với tầm nhìn và chiến lược của mình, cô cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên ngành tham mưu, bổ nhiệm đội ngũ Ban giám hiệu các trường mầm non là những đồng chí tích cực, chủ động sáng tạo trong chuyên môn từng trưởng thành qua các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, có phẩm chất đạo đức tốt, được đồng nghiệp tín nhiệm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước giao. Thành quả mà cô nhận được trong suốt quá trình công tác đó là sự lớn lên và trưởng thành của từng nhà trường qua từng năm học cả về quy mô, số lượng, chất lượng.
Đặc biệt năm học 2021 -2022 cùng với khó khăn chung của toàn ngành khi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với phương châm “ Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” cô đã luôn sát sao chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài học hay, các video sáng tạo được tổ chuyên môn của Phòng lựa chọn hàng nghìn video chất lượng để gửi cho phụ huynh cùng phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ. Không dừng lại ở đó, cô đã tích cực tham mưu với UBND huyện Gia Lâm cho mở các lớp bồi dưỡng đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên cốt cán trong các nhà trường. Tranh thủ từng thời điểm theo tình hình dịch bệnh.
Lớp Tập huấn “Công tác quản trị trong trường học”
Nắm vững tốt thời cơ, cô đã tham mưu mở được nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn. Trong đó, lớp bồi dưỡng về ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Stream được 05 buổi với 150 CB,GV các trường tham gia, lớp bồi dưỡng ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến Montessori với thời lượng 15 buổi mở tại 3 cụm trong huyện với gần 200 CB, GV các trường tham gia, 3 lớp tập huấn Bồi dưỡng tổ chức hoạt động giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội với 180 CB,GV dự tập huấn. Lớp tập huấn “Công tác quản trị trong trường học” cho toàn thể các đồng chí Ban giám hiệu 3 cấp học tham gia…với kinh phí hàng tỉ đồng cho các chuyên đề tập huấn. Được sự động viên của cô, các nhà trường hăng hái tham gia tổ chức các chuyên đề cấp huyện, cấp cụm hiệu quả. Trong năm học, cô đã chỉ đạo các trường trong huyện lên gần 20 chuyên đề các cấp để các trường đến giao lưu và học hỏi giúp cho chất lượng chuyên môn của các trường ngày càng nâng cao.
Làm Phó trưởng phòng phụ trách 27 trường mầm non đã khó, nhiệm vụ còn khó hơn khi cô còn là một Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn huyện Gia Lâm, phụ trách Công đoàn của 79 trường trong huyện. Như những gì sẵn có trong con người cô, khi là một Ủy viên Ban thường vụ LĐLĐ huyện cô luôn quan tâm đến sự phát triển của từng công đoàn, luôn chăm lo, động viên đến từng đoàn viên khi không may gặp những hoàn cảnh rủi ro.
Cô Hồng trao quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập
Cô đã thu hút, tập hợp 79 trường trong huyện thành một khối đại đoàn kết, thường xuyên quan tâm, vận động xây dựng các quỹ như Quỹ nhân đạo, quỹ tấm lòng vàng, quỹ vì người nghèo, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ phòng tránh dịch bênh…hàng năm mỗi loại quỹ cũng đóng góp được từ 200 - 300 triệu đồng để kịp thời quan tâm, chia sẻ, động viên những gia đình có công với cách mạng, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…. Sự tinh tế trong từng cử chỉ, trong từng hành động khiến người được quan tâm luôn cảm nhận được sự ấm áp, tình thương yêu. Đôi khi chỉ là những lời hỏi thăm, động viên an ủi thôi, nhưng bao trùm lên tất cả đó là tính nhân văn sâu sắc, chính những việc làm, cử chỉ của cô đã dạy cho tôi và những người quản lý khác luôn quan tâm, gần gũi, nắm bắt và hỏi thăm các đồng nghiệp để biết được hoàn cảnh và kịp thời sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống của chị em để được gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, giúp cho công việc nhà trường luôn thuận lợi.
Cái đáng quý, đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy những gì cô và Ban lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm đã làm được đó là xây dựng, tạo thành nề nếp hoạt động của mỗi Công đoàn nhà trường, là bức tường thành vững chắc để các Công đoàn tiếp tục phấn đấu, xây dựng và phát triển.
Gần 30 năm trong ngành giáo dục thì gần 20 năm làm công tác quản lý với các vai trò và nhiệm vụ khác nhau, khi làm công tác quản lý nhà trường, khi làm công tác quản lý của ngành, nhưng dù ở cương vị nào trong trái tim cô lúc nào cũng cháy bỏng niềm đam mê với những công việc mà cô đã lựa chọn và được nhân dân tin tưởng giao phó.
Gần 8 năm làm công tác Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, cô và tổ chuyên môn đã dẫn dắt công tác mầm non của huyện nhà đạt những thành tích cao, năm nào bậc học mầm non của huyện Gia Lâm cũng đạt thành tích xuất sắc, được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong những lá cờ đầu của 30 quận huyện nội ngoại thành. Góp một phần không nhỏ vào thành tích chung của ngành Giáo dục huyện nhà. Bên cạnh đó, cô đã dẫn dắt chỉ đạo các hoạt động, các phong trào thi đua các nhà trường luôn đạt thành tích xuất sắc. Hằng năm, có từ 7-8 trường mầm non do cô phụ trách được nhận các danh hiệu cao quý như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bằng khen của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trường tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố, Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội trao tặng.
Về bản thân, cô cũng rất vinh dự và tự hào đạt được nhiều thành tích cao mà Đảng và nhà nước trao tặng, với sự phấn đẫu nỗ lực không ngừng nghỉ, với trách nhiệm cao cả và tấm lòng nhân ái cô đã 2 lần được UBND Thành phố Hà Nội trao tặng “Gương người tốt, việc tốt” của Thành phố Hà Nội, về công tác chuyên môn cô đã 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Bên cạnh đó, cô còn nhận được nhiều Giấy khen, bằng khen của các cấp trao tặng. Nhưng vượt lên trên tất cả đó là sự tin yêu, kính trọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường dành cho cô. Mỗi khi cô về thăm các trường mọi người đều hân hoan, vui mừng chào đón. Vì mỗi lần về thăm trường nào cô luôn để lại những bài học sâu sắc về tình người, tình đồng nghiệp, công tác chuyên môn …giúp cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhìn nhận lại mình và cùng nhau cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Không chỉ là một lãnh đạo, một cán bộ quản lý giỏi, mà cô còn là một người con, người vợ, người mẹ tuyệt vời trong tổ ấm thân yêu của cô. Đến thăm cô, nhìn sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu của từng thành viên trong gia đình dành cho nhau, chúng tôi càng kính yêu và nể phục cô nhiều hơn.
Mặc dù vẫn đang trên cương vị công tác, nhưng cô vẫn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương Dương Xá và quê hương Phú Thị của cô ngày càng tươi đẹp. Cô tham gia các hoạt động địa phương, chia sẻ những khó khăn gánh nặng cùng cán bộ và nhân dân trong những lần cách ly phòng chống dịch. Nhìn cô cùng các bác trong thôn xóm nấu từng xuất ăn để hỗ trợ cho các bác, các cô trực chốt sao mà ấm áp tình người đến vậy.
Đó là những kết quả nổi bật bên ngoài, nhưng sâu thẳm bên trong con người cô đó là một người sống nội tâm, tình cảm, dễ mến, dễ gần. Chính vì vậy, khi các nhà trường gặp khó khăn, bản thân các đồng chí cán bộ quản lý nhà trường có khúc mắc, những tình huống khó giải quyết đều gặp cô tâm sự, sẻ chia để được nghe cô giải thích, định hướng. Vì vậy, trong mỗi nhà trường đều được giải quyết kịp thời, các nhà trường đều ổn định, đoàn kết cùng nhau chung sức xây dựng và phát triển.
Những việc làm của cô đã đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc phát động phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Các trường mầm non trong huyện Gia Lâm được khởi sắc như ngày hôm nay, chúng tôi, những thế hệ quản lý nhà trường không bao giờ quên được sự dìu dắt, chỉ bảo vừa ấm áp tình người vừa nghiêm nghị, cương trực nhưng đầy bao dung của người thủ lĩnh. Tôi tự nhủ với bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tích cực học tập, rèn luyện bản thân để luôn xứng đáng với những gì tốt đẹp khi được cô quan tâm, dìu dắt giúp đỡ tôi trưởng thành “ Đủ nắng thì hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy” phải không cô - người giáo viên nhân dân của chúng tôi!