Trẻ em là đối tượng cần được gia đình và xã hội bảo vệ rất nhiều. Thế nhưng, có không ít người nhẫn tâm đã dùng những hành vi bạo hành, đánh đập… chúng. Trước thực trạng như vậy, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn và dạy cho trẻ những kỹ năng để bảo vệ bản thân khỏi nạn bạo hành.
1. Dạy trẻ nhận thức về nạn bạo hành
Người xưa có câu “thương cho roi cho vọt”, chính vì câu nói này bị hiểu sai ý nghĩ nên nhiều người cho rằng đánh con là một hình thức thương con. Đôi khi bạo hành xảy ra trong chính gia đình, nhưng họ lại không nhận biết được điều đó.
Theo các chuyên gia, cha mẹ nên dạy cho trẻ nhận thức thế nào là bạo hành, nhận thức về sở hữu thân thể của mình khi còn nhỏ. Bắt đầu việc đó bằng bài học về các bộ phận trên cơ thể, dạy trẻ đâu là bộ phận nhạy cảm để bảo vệ không ai được đụng vào.
Khi trẻ lớn hơn, hãy dạy về các quyền về thân thể, phân biệt được đâu là dạy dỗ, đâu là bạo hành. Từ đó, trẻ có thể nhận thức được bản thân đang gặp nguy hiểm hay không?
2. Dạy trẻ biết cách kêu cứu và chạy thoát
Phần nhiều trường hợp trẻ bị bạo hành đều sống trong gia đình có bố dượng, mẹ kế, người nghiện rượu,… Những người thân khác trong gia đình phải có trách nhiệm bảo vệ, hướng dẫn trẻ tự bảo vệ mình trong những trường hợp bị đánh đập, lăng mạ…
Bên cạnh việc khuyên can người gây bạo lực, bạn cần dạy trẻ biết cách bỏ chạy, trốn thoát và kêu cứu khi bị bạo lực vì không phải lúc nào cũng có người lớn ở bên cạnh bảo vệ.
Hơn nữa, cần dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu chứng tỏ bạo lực sắp xảy ra, dạy trẻ tránh bạo lực bằng cách rời khỏi khu vực nguy cơ. Nếu bị đánh, trẻ cần phải chạy nhanh ra ngoài kêu to tìm sự giúp đỡ của người khác.
3. Làm sao để bảo vệ trẻ khỏi nạn bạo hành?
Trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác mà còn đau đớn về mặt tinh thần. Nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng xấu về sức khỏe, tinh thần, khả năng học tập, khả năng giao tiếp và tác động tiêu cực đến sự phát triển.
Do đó, việc trước tiên cần làm là tách trẻ ra khỏi môi trường bạo hành, kể cả đó là người thân trong gia đình. Bạn nên có kế hoạch đưa ngay trẻ đến cơ quan y tế, giám định thương tật. Sau đó, giúp trẻ ổn định tinh thần và động viên trẻ, tránh để trẻ gặp hay quay trở lại môi trường đã bị bạo hành.
Mở rộng hơn, đó là việc nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường- gia đình- xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em.