Nhu cầu Vitamin D chính là khẩu phần Vitamin D có thể đảm bảo cho cơ thể không bị thiếu Vitamin D, thông qua xét nghiệm hàm lượng 25(OH)D trong máu. Trước đây, người ta cho rằng nhu cầu vitamin D ở cả người lớn và trẻ em chỉ cần 200- 400 IU/ngày (người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên thì nhu cầu Vitamin D cao hơn), với ước tính là Vitamin D của cơ thể còn được tổng hợp từ da. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu ở cả trẻ em và người lớn đều cho thấy, nhu cầu 400 IU/ngày không đủ để đảm bảo hàm lượng 25 (OH) D trong máu luôn giữ được ở mức bình thường, đặc biệt là ở phụ nữ có thai và cho con bú, cũng như ở người cao tuổi.
Ở Việt nam, nhu cầu khuyến nghị về vitamin D năm 2007 là 200 IU/ngày ở trẻ em và người trưởng thành (kể cả phụ nữ có thai và cho con bú), 400 IU/ngày ở người 51- 60 tuổi, và 600 IU/ngày với người >60 tuổi. Những bằng chứng từ những nghiên cứu dịch tễ học ở người Việt nam gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ thiếu Vitamin D ở người Việt nam trong những năm qua rất cao so với các nước xung quanh, ở tất cả các lứa tuổi và tình trạng sinh lý. Vì vậy, Bảng nhu cầu khuyến nghị về Vitamin D lần này đã cập nhật theo khuyến nghị của Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ năm 2011, trong đó, nhu cầu Vitamin D ở trẻ < 1 tuổi là 400 IU/ngày, ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người trưởng thành < 50 tuổi là 600 IU/ngày, ở người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú là 800 IU/ ngày.
Vấn đề thừa Vitamin D gây ngộ độc hiếm khi xảy ra. Nếu chỉ ăn các thực phẩm tự nhiên và tắm nắng thì không có nguy cơ thừa Vitamin D. Tuy nhiên, nếu uống bổ sung Vitamin D hoặc ăn các thực phẩm bổ sung Vitamin D thì cũng cần chú ý giới hạn tối đa có thể có ảnh hưởng không tốt với sức khỏe, giới hạn này ở trẻ em < 6 tháng là 1000 IU/ngày, ở trẻ 6-12 tháng là 1500 IU/ngày, trẻ 1-2 tuổi là 2500 IU/ngày, trẻ 3-7 tuổi là 3000 IU/ngày, và từ 8 tuổi trở lên là 4000 IU/ngày.
Ảnh minh họa
|
Điểm mới về nhu cầu khuyến nghị canxi:
Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Canxi cần thiết cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Cơ thể con người rất cần canxi, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Thiếu canxi trong khẩu phần, hấp thu canxi kém và/hoặc mất quá nhiều canxi dẫn đến tình trạng rối loạn khoáng hóa tại xương. Thiếu canxi mạn tính (do hấp thu canxi kém ở ruột non, do khẩu phần ăn không đủ canxi…) là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm mật độ xương, gây bệnh loãng xương ở người lớn và còi xương ở trẻ em.
Canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa, gây triệu chứng đau nhức các xương đặc biệt các xương dài ở trẻ đang tuổi phát triển, ngoài ra có thể gây tình trạng mất ngủ, tính tình nóng nảy. Thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần có liên quan tới phát sinh bệnh cao huyết áp và ung thư ruột.
Nhu cầu canxi (Ca) của cơ thể được xác định trong mối tương quan với Phosphor (P): tỷ số Ca/ P mong muốn tối thiểu > 0,8 ở mọi lứa tuổi, tốt nhất là 1-1,5 (đặc biệt đối với trẻ em). Theo khuyến cáo của Viện nghiên cứu Y học Hoa Kỳ (IOM, 2011), đồng thời tham khảo các nghiên cứu ở người Việt Nam và các nước châu Á (Nhật bản, Malaysia, Singapore…), nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về canxi (mg/ngày) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý cho người Việt Nam được đưa ra như sau: nhu cầu canxi ở trẻ từ 6-11 tháng là 400 mg/ngày, trẻ em 1-2 tuổi là 500 mg/ ngày, 3-5 tuổi là 600 mg/ngày, 6-7 tuổi là 650 mg/ngày, 8-9 tuổi là 700 mg/ngày, 10-19 tuổi và người ≥ 70 tuổi là 1000 mg/ngày, người trưởng thành 20-49 tuổi và nam giới 50-69 tuổi là 800, nữ giới 50-69 tuổi là 900 mg/ngày, phụ nữ có thai là 1200 mg/ngày và phụ nữ cho con bú là 1300 mg/ngày.
Khi lượng canxi ăn vào dư thừa, canxi sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, vì thế rất hiếm gặp các trường hợp thừa canxi trong máu hay tích trữ thừa trong mô do tiêu thụ quá nhiều canxi. Tuy nhiên khi dùng thuốc canxi liều cao, kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, canxi máu cao, thận làm việc kém hiệu quả và giảm hấp thu các chất khoáng cần thiết khác (ví dụ: sắt, kẽm, magiê, phosphor, iod, đồng).
PGs. Ts. Bs. Vũ Thị Thu Hiền, Ts. Bs. Trần Thúy Nga-Viện Dinh dưỡng