Trẻ con cần vận động, vui chơi để phát triển thể chất và tinh thần. Thế nhưng, trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài có thể làm tăng nguy cơ miễn dịch bệnh từ virus, vi khuẩn, ô nhiễm... Trong bối cảnh Covid-19, để bảo vệ con trước những nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng, mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người hay tiếp xúc với những người lạ.
Ở nhà đâu chỉ có thể làm bạn với màn hình tivi hay chơi game điện thoại, bố mẹ vẫn có thể thiết kế các trò chơi của trẻ thành hoạt động trí não hoặc tận dụng không gian quen thuộc như nhà bếp, sân vườn để bé khám phá những điều mới lạ với gia đình.
Một số hoạt động vừa học vừa chơi tại nhà gợi ý dưới đây cho cha mẹ để cùng bé có thêm thời gian thú vị, hữu ích và an toàn hơn tại gia.
Trò chơi phát triển trí não
Lego là bộ môn xếp hình được nhiều bà mẹ có con nhỏ lựa chọn với nhiều mức độ phù hợp cho các độ tuổi khác nhau. Việc ngồi lắp ghép những mảnh lego có thể giúp con luyện tập tính kiên nhẫn, khơi dậy sự sáng tạo khi tự tay hoàn thành thành phẩm. Bố mẹ có thể ngồi chơi cùng trẻ vừa hỗ trợ vừa khơi gợi để trẻ động não, khuyến khích trẻ sáng tạo hơn, biến thời gian vui chơi trở thành khoảnh khắc vui đùa cùng con, gắn kết gia đình.
Những trò chơi phát triển trí não có lợi cho trẻ như xếp hình, lego, đố vui bằng tranh ảnh...
Trải nghiệm tập làm đầu bếp
Căn bếp với đủ loại vật dụng và các nguyên liệu đa dạng, nhiều màu sắc chính là "thế giới" để trẻ khám phá những điều mới. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà mẹ có thể cho con cùng tham gia vào những công đoạn khác nhau của một đầu bếp thực thụ như chọn lựa thực phẩm, chế biến thức ăn. Bé vừa có thể phụ giúp mẹ vừa học hỏi và nhất là không còn cảm giác buồn chán khi ở nhà cả ngày.
Tự tay chọn lựa, cầm nắm và sờ vào những loại thực phẩm khác nhau cũng là trải nghiệm thú vị dành cho các bé. Khi được khám phá các loại thực phẩm khác nhau, hiểu được món ăn được chế biến như thế nào, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn vào bữa ăn, từ đó cải thiện được tình trạng biếng ăn.
Nhiều bà mẹ sợ con mình gặp một số tai nạn nhỏ trong quá trình nấu nướng nên rất hạn chế để con vào bếp cùng. Tuy nhiên, mẹ có thể để bé tham gia chuẩn bị các bữa ăn bằng công việc đơn giản như cọ rửa củ khoai tây, cà rốt... Bố mẹ có thể chọn dụng cụ bếp dành riêng cho trẻ em với chất liệu an toàn, không sợ bé bị đứt tay.
Khi con làm xong, phụ huynh chỉ cách rửa những vật dụng mà bé vừa dùng và đặt chúng trở về vị trí riêng trong tủ chén bát. Điều này còn giúp bé xây dựng được tính tự lập và thói quen giúp đỡ bố mẹ ngay từ khi còn nhỏ.
Những hoạt động làm bếp phù hợp khơi gợi sự hứng thú trong trẻ.
Các trò chơi chung với gia đình
Bé sẽ rất thích thú khi cùng tham gia vui chơi cùng với bố mẹ. Để xây dựng tình cảm khắng khít hơn giữa các thành viên trong gia đình, mẹ có thể tổ chức các hoạt động giải trí cho con như vẽ tranh gia đình, đọc sách, hát karaoke cùng với nhau tạo cho bé sự dạn dĩ và tự tin hơn.