Trẻ trầm cảm sau Covid-19 thường buồn chán, vận động chậm chạp, thay đổi thói quen sinh hoạt, dễ tức giận và hạn chế tiếp xúc xã hội.
Hậu Covid-19 ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường xuất hiện triệu chứng chủ yếu trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác... Trẻ cũng có thể có các biểu hiện rối loạn cảm xúc, trầm cảm, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, nhóm Bác sĩ Hỗ trợ F0 tại nhà, triệu chứng chính của trầm cảm ở F0 trẻ em thường xoay quanh nỗi buồn, cảm giác tuyệt vọng, thay đổi tâm trạng. Theo đó, trẻ cảm thấy mệt mỏi, vận động chậm chạp, dành nhiều thời gian vào chơi game, hạn chế tiếp xúc xã hội. Các bé có thể thường xuyên phàn nàn về cơ thể (đau bụng, đau đầu vô căn, thay đổi theo cảm xúc) không đáp ứng với điều trị; nét mặt buồn bã, đơn điệu, các nếp nhăn giảm hoặc mất; giảm khả năng hoạt động trong các sự kiện, tại nhà hoặc trường học, thay đổi sở thích...
"Ngoài ra, trẻ cũng thay đổi trong ăn uống và giấc ngủ, có thể đột nhiên ăn nhiều hoặc chán ăn, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Bác sĩ thường thấy trẻ thức nhiều, suy nghĩ miên man, quá nhạy cảm với các sự cố. Kết quả học tập của con thường giảm nên cha mẹ nên động viên và cùng con cân bằng lại", bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Không phải tất cả trẻ đều có các triệu chứng này nhưng hầu hết sẽ có biểu hiện khác nhau, tại các thời điểm khác nhau. Một số trường hợp trầm cảm dẫn đến tự tử do sự gia tăng tỷ lệ rối loạn trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, tăng sang chấn tâm lý xã hội và những phương tiện tự sát sẵn có.
Trẻ tiếp cận với thiết bị điện tử quá sớm có thể ảnh hưởng đến tinh thần. Ảnh: Freepik.
Theo bác sĩ Cường, khi trẻ mắc trầm cảm hậu Covid-19, phụ huynh cần lắng nghe, mở lòng với con để chia sẻ những thử thách và áp lực khi mắc Covid-19 cũng như nhiều vấn đề khác. Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ có những vấn đề khác nhau cần được hỏi và giải đáp. Cha mẹ cần nhẹ nhàng lắng nghe và giải thích cho trẻ, nhất là trong giai đoạn trong và sau Covid-19.
Cha mẹ cũng nên dành nhiều thời gian hơn cho con như đưa đón đi học, đi chơi, khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến, hạn chế quát mắng và lắng nghe tâm sự để trẻ không có cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi.
Để phòng ngừa và giảm chứng trầm cảm ở trẻ, cha mẹ nên xây dựng thói quen tốt, khuyến khích con chơi thể thao, học một số môn nghệ thuật để con luôn tự tin vào bản thân. Trẻ cũng cần dành thời gian giải trí và thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng, không nên quá áp lực trong cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới công bố 20 - 40% trẻ em và vị thành niên có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Theo WHO, hậu Covid-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc Covid-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trẻ lớn, trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ mắc Covid-19 mức độ nặng, điều trị hồi sức có nguy cơ cao bị "Covid-19 kéo dài".
Trầm cảm là một triệu chứng của rối loạn lo âu do Covid-19. Nguyên nhân có thể do lo âu có trước khi mắc Covid-19, chiếm khoảng 8%; cách ly xã hội trong thời gian mắc bệnh; nằm viện dài ngày; mặc cảm với những người xung quanh, sợ lây truyền bệnh cho người khác; không chắc chắn có khỏi Covid-19...
Năm 2021, các nghiên cứu đã ghi nhận mối tương quan giữa các triệu chứng Covid-19 và các triệu chứng lo âu. Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng Covid-19 của bệnh nhân càng tồi tệ, rối loạn lo âu hậu Covid-19 càng nặng.
Vnexpress.net