Sau đây là danh sách 8 trò chơi giúp con tập nói
Trò chơi mô phỏng âm thanh của động vật, phương tiện giao thông
Các trò chơi mô phỏng giúp bé nhận biết mọi âm thanh, phân biệt các sự vật, sự việc, các loài động vật và mọi người.
Cách tốt nhất là bạn hãy thường xuyên cho con tiếp xúc với thế giới thật, chỉ cho con xem tất cả những điều thú vị của cuộc sống. Khi nói chuyện bạn cần có một năng lượng mạnh mẽ, thái độ vui tươi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cho con ra ngoài chơi.
Một cách hay là bạn hãy chuẩn bị các âm thanh của tất cả và cho con nghe.
Mình thường áp dụng các bước sau:
- Chuẩn bị chủ đề sẽ giới thiệu cùng con: phương tiện giao thông: đường bộ, đường biển, đường bay; các con vật: vật nuôi trong gia đình, động vật hoang dã, động vật sống ở biển, động vật hoang dã; con người: tiếng cười, ngáp ngủ, hát, khóc;
Mỗi chủ đề bạn chọn 5 từ và lặp đi lặp lại nhiều lần để con nhớ.
- Cho con xem trực tiếp sự vật ở thế giới thực.
- Chuẩn bị file âm thanh của sự vật.
- Cho con nghe kèm theo hình ảnh thật.
- Khuyến khích con lặp lại các âm thanh được nghe.
- Lặp đi lặp lại nhiều lần các bước trên.
Với trò chơi này, bé sẽ nhanh chóng phân biệt được âm thanh và có khả năng bắt chước các âm thanh đó.
Chiếc túi bí mật giúp con tăng khả năng phán đoán
Đây là trò chơi rất thú vị.
Bạn có thể chơi cùng con hoặc cả nhà cùng chơi.
Để chơi được trò chơi này, bạn cần chuẩn bị:
- Một chiếc túi vải mềm, kín, không nhìn thấy bên trong.
- 5 – 10 loại đồ chơi khác nhau cho vào túi: hình các con vật, các vật dụng gia đình, đụng cụ nhà bếp, hoa quả, đồ chơi của con.
- Bạn cho đồ chơi vào trong túi.
- Con lần lượt cho tay vào túi, lấy một đồ vật và đoán xem đồ vật đó là gì.
Bạn cũng có thể sáng tạo trò chơi này sau khi con đã quen và có thể đoán được mọi đồ vật bằng cách để con cho tay vào túi, lấy một đồ vật, mô tả lại cho mẹ để mẹ đoán xem đồ vật đó là gì.
Khi chơi đồ chơi này, bạn cần lưu ý chọn các loại đồ cho vào từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều. Cần tạo cho con có những thành công nho nhỏ để con hứng thú chơi tiếp.
Nghe điện thoại giúp bé tăng khả năng giao tiếp và biết nói nhanh
Khi con khoảng 1 tuổi, bé bắt đầu bắt chước rất nhanh tất cả hành động, cử chỉ, lời nói của người lớn.
Trong gia đình mình, mỗi lần bố mẹ hay ông bà nghe điện thoại là y như rằng cu cậu đòi cầm điện thoại bằng được và nói chuyện rất say xưa.
Ban đầu chỉ là những âm thanh ê a, sau đó càng ngày âm thanh càng rõ ràng, tròn vành, rõ chữ hơn.
Nếu bạn ngại cho con chơi điện thoại thật có thể làm hỏng điện thoại. Khi còn nhỏ nhiều bé thường hay ném đồ, hay cho vào miệng, điều này không tốt cho cả bé và cả người lớn đúng không?
Do vậy bạn hoàn toàn có thể mua những chiếc điện thoại đồ chơi cho con, hay cho con dùng những chiếc điện thoại cũ đã hỏng.
Với điện thoại đồ chơi, bạn chọn loại đồ chơi bé có thể bấm vào các số. Âm thanh có thể điều chỉnh. Khi mới chơi, không nên chọn loại bé chỉ cần bấm là chiếc điện thoại phát âm thanh, mà cần tạo cho bé chút khó khăn để bé thích thú khám phá hơn.
Cả nhà cùng hát giúp bé thẩm thấu âm nhạc, cảm thụ âm thanh
Hát là trò chơi đơn giản nhất bạn có thể thực hiện được mà không cần đến các dụng cụ hay đồ chơi đi cùng.
Bạn cũng không cần phải hát hay mới có thể hát cho con nghe. Với trẻ, âm thanh, giọng nói của mẹ chính là điều tuyệt vời nhất khiến bé trở nên yên tâm hơn bao giờ hết.
Hãy bắt đầu nói chuyện và hát cho con nghe hàng ngày từ khi bạn mang bầu. Lúc này, bạn có thể chưa cảm nhận được sự thay đổi của bé. Tuy nhiên, chính tâm trạng vui vẻ và tình yêu của mẹ sẽ giúp con lớn lên, cảm nhận tình yêu thương và trở thành em bé luôn vui vẻ, yêu đời.
Các bài hát tiếng Việt bạn cần ưu tiên hàng đầu, vì lúc này dạy tiếng mẹ đẻ là quan trọng nhất đối với bé.
Khi bé buồn ngủ bạn có thể hát những bài hát có âm điệu nhẹ nhàng như các bài hát ru, bài sòn sòn sòn đô sòn, bài đi học.
Khi bé muốn chơi bạn hát những bài hát vui nhộn và tương tác hơn như bài hát quả gì, chú ếch con, một chú nhện, cả nhà thương nhau, gia đình nhỏ, hạnh phúc to.
Càng ngày, số bài hát càng cần tăng thêm.
Bạn hãy mua cho gia đình cuốn sổ bài hát có nốt nhạc để cả nhà cùng hát nhé.
Đặt câu, mở rộng câu
Mở rộng câu là từ một từ, bạn đặt nhiều câu có nội dung khác nhau có chứa từ đó. Tác dụng của kỹ thuật này là giúp bé tăng số lượng từ vựng một cách nhanh chóng.
Để sử dụng kỹ thuật này, bạn chỉ cần 1 từ gốc, sau đó bạn sử dụng các bộ câu hỏi 5W, 1H để mở rộng từ theo nhiều hướng khác nhau.
Ví dụ: QUẢ TÁO
Chúng ta có thể đặt câu:
- Quả táo
- Đây là một quả táo. (what)
- Quả táo này của bạn Khoa. (who)
- Quả táo này được trồng ở nước Úc. (where)
- Bé ăn táo sau khi ăn cơm xong. (when)
- Quả táo rất tốt cho sức khỏe của bé. (why)
- Bé rất thích quả táo màu đỏ. (how)
Kể chuyện cho bé nghe
Thời gian tuyệt vời nhất trong ngày của mình đó là trước khi đi ngủ.
Sau khi bố đã đọc sách cho các con nghe xong thì ba mẹ con sẽ lên giường, tắt đèn.
Trong bóng tối nhập nhoạng ấy, chỉ có chút ánh đèn le lói qua tấm rèm được hé mở, ba mẹ con bắt đầu kể các câu chuyện cho nhau nghe.
Con thường thích nghe các câu chuyện ngày xưa mẹ như thế nào, ngày xưa con thế nào. Và đó cũng là lúc bạn có thể kể cho con nghe mọi thứ, những bài học cuộc sống bạn muốn dạy con, những đức tính con cần có, về sự khoan dung, độ lượng, lòng nhân hậu, khả năng phán đoán, phản biện, …
Bé lớn nhà mình thường hay nói là, con ước được nói chuyện với mẹ mãi mãi không phải đi ngủ.
Nhưng thực ra tối nào mẹ chỉ kể khoảng 1 – 2 câu chuyện là con đã ngủ quay rồi.
Đọc sách và đặt câu hỏi
Đọc sách rất cần sự kiên trì.
Ngay cả đến người lớn chúng ta đôi khi còn rất ngại đọc. Nhưng chỉ cần vượt qua giai đoạn ngại, và hình thành thói quen đọc sách, bạn sẽ cảm thấy sách thực sự là người bạn đồng hành không thể thiếu. Sách giúp bạn trưởng thành, giúp bạn giải quyết mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Với các bạn nhỏ, sách là một thế giới thu nhỏ với biết bao kiến thức và những điều thú vị bên trong đó.
Khi bé bắt đầu tập nói, bạn hãy chọn cho bé những cuốn sách đơn giản, có hình ảnh, chất liệu giấy đẹp, không bị bóng, lóa khi xem.
Dưới 12 tháng tuổi, bạn có thể cho con xem sách vải.
Khi lớn hơn chút, bạn chọn các cuốn sách có nội dung xuyên suốt cho bé đọc hàng ngày.
Bạn nên cho bé tới các hiệu sách để bé xem và lựa chọn cuốn sách yêu thích của mình.
Sử dụng các ứng dụng giúp bé học nói
Hiện nay điện thoại và máy tính bảng đã trở nên quen thuộc với mọi gia đình và với các em nhỏ.
Để giúp bé không bị phân tâm khi dùng các thiết bị di động, bạn có thể sử dụng các chương trình học có trả phí.
Tiêu chí lựa chọn các chương trình học cho con:
- Bố mẹ có thể kiểm soát nội dung các bé xem.
- Chương trình học hấp dẫn, có tính giáo dục cao, nội dung được các chuyên gia giáo dục đánh giá cao.
- Bé có thể học đi học lại các bài học.
- Bố mẹ có lộ trình học cho con hàng ngày và có thể đồng hành cùng con.
Trên đây là 8 trò chơi giúp bé tập nói nhanh. Bạn hãy áp dụng để giúp con phát triển ngôn ngữ, nhanh chóng phát âm tròn vành rõ chữ nhé.