Tìm hiểu nguyên nhân
“Tại sao lại phải ăn rau hả mẹ? Con không ăn đâu” – Bạn nấu món rau ngon lành nhưng con nhất định không ăn. Chúng nhất quyết từ chối, lắc đầu và bịt miệng. Điều này là do chúng tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra khi không làm theo lời mẹ. Có nghĩa, trẻ đang rơi vào giai đoạn “khủng hoảng”, không nghe lời cha mẹ hay những người xung quanh bởi chúng đang trong giai đoạn phát triển trí tò mò.
Thực sự trí tò mò là một yếu tố kích thích năng lực sáng tạo, tư duy và tham vọng ở trẻ. Bên cạnh đó, việc trẻ không nghe lời cũng có nguyên nhân là chúng thích được chú ý. Chúng muốn toàn bộ đám đông phải tập trung vào chúng.
Do vậy người lớn nên đối phó với điều này bằng sự kiên nhẫn, giảng giải về hậu quả nếu không ăn rau thì con người phát triển mất cân đối, bị bệnh... Bạn không nên nổi giận về tính tò mò của bé bởi điều đó có thể còn làm cho bé trở nên lì lợm và không nghe lời.
Không nhượng bộ
Thật không dễ chịu khi con cứ nhất định không vâng lời, làm trái với các quy tắc và giới hạn mà cha mẹ đặt ra. Khách đến nhà chơi, bố nói “con chào bác T đi”, nhưng con nhất định chỉ nhìn thẳng mà không chào. Là cha mẹ, thật khó khăn và thậm chí là xấu hổ khi con bạn trở nên quá bướng bỉnh, nhưng đừng nhượng bộ.
Đây là một nguyên tắc cơ bản để ứng xử với những đứa trẻ không nghe lời vì nó dạy chúng rằng bạn sẽ không nhượng bộ cho dù sự phản ứng mạnh mẽ của chúng đến đâu.
Bạn nên nhắc lại lời đề nghị và yêu cầu “con chào bác T đi. Bác ấy rất mong gặp con như thế này. Con đáp lại lòng tốt của bác nào…”. Nếu bạn không kiên quyết, chúng sẽ hiểu rằng “à, hóa ra không vâng lời cũng không sao. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả”.
Còn nếu bạn kiên định, không nhượng bộ thì chúng sẽ hiểu là “à, bố mẹ rất cứng rắn, phen này ta không thể làm khác rồi”. Chúng sẽ hiểu rằng lời bạn nói là sự quyết tâm của bạn và bạn không chấp thuận hành động bất tuân theo của con.
Hãy nghiêm khắc với hình phạt
“Chúng ta đã thống nhất là con cần vâng lời cha mẹ, phải chào hỏi người lớn rồi mà, con quên điều này rồi sao? Con có nhớ đã thống nhất, nếu vi phạm nguyên tắc, con sẽ không được đi chơi cuối tuần, con có nhớ không?”
Nếu con bạn vi phạm các quy tắc, hãy thiết thực và cam kết thực hiện một hình phạt phù hợp nhưng không quá mức. Nếu không như vậy, cơ hội răn đe của bạn gần như không còn và bạn sẽ dạy cho trẻ cảm thấy những lời nói của bạn dường như không có ý nghĩa.
Sau đó, con sẽ tiếp tục thúc đẩy sự không vâng lời bởi biết rằng sẽ không có sự ngăn cản. Cha mẹ cần cứng rắn, kiên quyết, không được yếu lòng. Bạn phải đảm bảo rằng hành động của mình phù hợp và nhất quán với lời nói.
Làm gương cho con
Nếu khi con bạn nói với bạn “mẹ ơi, con thấy một con gì đó cứ bay qua bay lại…” và bạn lại cứ dán mắt vào màn hình máy tính. Lúc ấy, con cảm thấy mẹ mình không chú ý đến những gì con nói. Như vậy, chúng cảm thấy bản thân không được chú ý. Chúng bắt chước hành động của người lớn và phản ứng ý như đã học được từ người lớn.
Hoặc có đôi khi, bạn không giữ lời hứa với con “Con vệ sinh răng sạch sẽ bố hứa sẽ đưa con đi thăm vườn thú”…, nhưng khi con đã thực hiện việc làm răng sạch sẽ mà bố lại lảng tránh với lý do “ bố bận quá… để khi khác nhé!”.
Không có cách nào tốt hơn để dạy con bạn lắng nghe hơn là tự mình làm mẫu hành vi. Bằng cách cho phép con cái lên tiếng trong khi chúng ta lắng nghe, chúng có thể tận mắt thấy tầm quan trọng của hành vi và việc lắng nghe tích cực luôn quan trọng như thế nào.
Con bạn sẽ cảm nhận được tôn trọng và sẵn sàng đáp lại sự tôn trọng đó khi bạn nói chuyện với chúng. Phần lớn những gì con cái chúng ta làm đều dựa trên những gì chúng thấy cha mẹ hàng ngày. Hãy làm mẫu cho việc lắng nghe tích cực khi tương tác với con và chúng sẽ đáp lại bạn.
Khen thưởng hành vi đúng
Khi con bạn lắng nghe và làm những điều đúng đắn, hãy khen ngợi và cho chúng biết điều đó được đánh giá cao. “Con thật ngoan, con của mẹ biết vâng lời” - Khen ngợi có tác dụng thay đổi hành vi tổng thể. Tất cả mọi người, kể cả con bạn, đều muốn được khen thưởng vì có hành vi tốt. Bằng cách cho con bạn thấy mặt lợi ích của việc hành động đúng, con sẽ tạo thói quen tốt.
Cho con một cơ hội khác
Có những đứa con có cá tính cao, đôi khi chúng rất bướng bỉnh và nhất quyết không chịu nghe lời, dẫu có bị phạt. Đối với những trẻ này, cha mẹ cần linh hoạt, cần cho phép chúng nhận được sự dạy dỗ tiếp tục. Ví dụ, bạn sẽ nói “con chưa chào bác T nhé. Để mẹ dạy con nào: Con chào bác T ạ? – lần tới gặp bác là mẹ không cần nhắc nữa con nhỉ”.
Điều này dạy con trẻ rằng, khi chúng mắc lỗi, cha mẹ vẫn sẽ yêu thương và hướng dẫn chúng. Bài học này dạy con cái chúng ta không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại và làm điều đúng đắn.